WAGs tuyển Đức lại bị đổ lỗi ở World Cup
Việc truyền thông Đức nói vợ và bạn gái các cầu thủ là nguyên nhân khiến đội nhà bị loại sớm ở World Cup 2022 lặp lại quá khứ xấu xí khi dàn WAGs Anh bị coi như 'vật tế thần'.
Người Đức phải thu dọn hành lý về nước sau khi xếp thứ 3 ở bảng E World Cup 2022. Đây là kỳ World Cup thứ 2 liên tiếp đội bóng từng 4 lần vô địch bị loại từ vòng bảng.
Ngôi sao bóng đá Đức Thomas Muller ví màn trình diễn của “Cỗ xe tăng” là “thảm họa thực sự”.
Tuy nhiên, Bild, tờ báo hàng đầu của Đức, có lời lý giải khác cho thất bại này: vợ và bạn gái các cầu thủ.
“Có vấn đề gì với dàn WAGs của chúng ta vậy?”, Bild giận dữ.
Tờ báo thắc mắc về việc những người phụ nữ không ra ngoài và tiệc tùng ở Qatar trong thời gian diễn ra World Cup. Họ thậm chí bị chỉ trích là kém sôi nổi như dàn WAGs Anh và xứ Wales - những người dường như có thể “uống cạn Qatar”, theo New York Post.
Sự đổ lỗi vô lý này gợi nhắc về “bê bối Baden-Baden” tại World Cup 2006. Khi đó, hình ảnh dàn WAGs Anh dạo phố, vung tiền mua sắm và tiệc tùng ở thị trấn của Đức bị cho là khiến các cầu thủ “Tam sư” xao nhãng, dẫn đến kết cục bị loại ở tứ kết.
Sau kỳ World Cup đó, nhiều đội bóng cũng bắt đầu đưa ra lệnh cấm đối với vợ, bạn gái các cầu thủ.
Fabio Capello, HLV tuyển Anh từ năm 2008 đến 2012, không cho phép học trò gặp nửa kia trước các trận đấu quan trọng vì sợ cầu thủ mất tập trung.
Ông cảnh báo cả đội: “Chúng ta ở đó để chơi bóng, không phải để đi nghỉ”.
Sự bào chữa
Đến nay, đội tuyển Anh vô địch World Cup một lần duy nhất vào năm 1966. Ở những kỳ World Cup tiếp theo, mỗi màn trình diễn đáng thất vọng của “Tam sư” lại có một lời ngụy biện mới.
Năm 2008, tờ The Guardian thể hiện sự bức xúc qua tiêu đề “Đừng đổ lỗi cho WAGs khi thất bại ở World Cup”.
Điều này xuất phát từ việc trước một trận đấu của đội tuyển Anh tại Euro 2008, cầu thủ Rio Ferdinand xuất hiện và giải thích về World Cup 2006 ở Đức, khi dàn WAGs cùng các cầu thủ đến thị trấn Baden-Baden.
“Thành thật mà nói, chúng tôi đã trở thành một gánh xiếc trong toàn bộ sự chú ý đổ dồn vào WAGs. Bóng đá gần như trở thành yếu tố phụ”.
Nhưng nhìn lại, năm 2006, Anh có màn trình diễn mờ nhạt trước khi bị loại ở tứ kết, thua Bồ Đào Nha trên chấm phạt đền. Trong khi đó, bên ngoài sân cỏ, Coleen Rooney và Elen Rives hát karaoke, Carly Zucker chạy bộ và Victoria Bechkham mặc chiếc quần đùi nhỏ đang mốt.
“Chúng ta có thật sự tin rằng việc Joanne Roughead được chụp ảnh tắm nắng bên hồ bơi đã khiến Rooney giẫm vào người Ricardo Carvalho? Hay Lampard sút hỏng phạt đền? Rio, nếu là anh, tôi sẽ rất biết ơn vì năm 2006 được nhớ đến vì vẻ đẹp của những chiếc quần hotpants của Posh (ám chỉ Victoria Bechkham), hơn là việc đội bóng của chúng ta chỉ đứng ở vị trí thứ 7”, The Guardian châm biếm.
“Có lẽ, chúng ta nên cân nhắc quan điểm cho rằng những trò hề của dàn WAGs trở thành tâm điểm bởi vì bóng đá quá buồn tẻ? Ít nhất điều đó đã cho người hâm mộ điều gì đấy để tập trung thay vì sự thật là các cầu thủ không thể ghi bàn”, tờ báo nói thêm.
Những bình luận của Ferdinand chỉ là ví dụ về văn hóa bào chữa mệt mỏi của bóng đá, chỉ tay vào bất cứ ai trừ chính họ.
Và lý do Anh không vượt qua vòng loại Euro 2008 thực sự khá đơn giản: các cầu thủ đá bóng chưa đủ tốt.
Martin Conboy, Giáo sư Báo chí tại Đại học Sheffield, giải thích: “Đó là thời kỳ rất coi thường phụ nữ. Phụ nữ bị đóng khung như phụ kiện cho nửa kia của họ”.
Nhưng phải chăng việc thiếu vắng các nàng WAGs tại World Cup 2010 là liều thuốc giải cho những thành tích thi đấu không tốt của đội tuyển Anh? Tất cả chúng ta đều biết câu trả lời khi Anh không qua được vòng 16 đội.
Cần nơi để đổ lỗi
Kể từ khi tiếng kèn vuvuzela bắt đầu vang lên một tuần trước World Cup 2010, Global Times lại ngán ngẩm vì sự xuất hiện của một số khách mời nữ trong chương trình đưa tin về sự kiện trên đài truyền hình quốc gia của Trung Quốc.
Từ ngôi sao nổi tiếng đến người dẫn chương trình truyền hình nữ, họ ăn mặc như fan thực thụ của bóng đá nhưng hăng say bày tỏ ý kiến về việc ai là cầu thủ đẹp trai nhất hoặc thời trang của vợ và bạn gái các cầu thủ.
Với những phát ngôn ngô nghê về bóng đá, họ liên tục tuyên bố, như thể đại diện cho mọi phụ nữ ở Trung Quốc, rằng “so với đàn ông, phụ nữ chỉ là đồ trang sức tại World Cup”.
Ở các quốc gia khác, tình hình dường như cũng không khá hơn. Ví dụ, trong thế giới bóng đá của Anh, báo chí bị ám ảnh bởi WAGs. Những lần mua sắm và tiệc tùng của họ đã trở thành tiêu đề trên truyền thông. Nhưng khi “Tam sư” thất bại, vợ và bạn gái của các cầu thủ bị đổ lỗi như thể sự hiện diện của phụ nữ là chất độc tự nhiên đối với lối chơi hay.
Ngay cả trước khi vòng đấu đầu tiên của World Cup 2010 kết thúc, người hâm mộ và các nhà bình luận cũng có mong muốn mạnh mẽ là tìm ra những người phụ nữ để đổ lỗi cho màn trình diễn kém cỏi trên sân, có thể là bạn gái người mẫu của thủ môn Anh Robert Green hay bạn gái phát thanh viên của thủ thành Tây Ban Nha Iker Casillas.
Bóng đá hay World Cup được ví von là sân khấu bình đẳng, nơi 11 cầu thủ có thể trở thành biểu tượng của một quốc gia. Nhưng điều này không áp dụng cho phụ nữ.
Trên thực tế, những đóng góp của phụ nữ cho môn thể thao vua đáng chú ý hơn nhiều.
Ở Mỹ, bóng đá không phải môn thể thao phổ biến cho đến 2 thập kỷ trước, khi đội tuyển quốc gia nữ Mỹ thi đấu thăng hoa tại Giải vô địch bóng đá nữ thế giới năm 1999.
Chiến thắng cuối cùng của họ trước Trung Quốc thu hút 19 triệu người xem, nhiều hơn cả số khán giả xem World Series hoặc Stanley Cup cùng năm đó.
Tại Trung Quốc, tình hình cũng tương tự. Mãi cho đến khi đội tuyển bóng đá nữ Trung Quốc lọt vào trận chung kết World Cup nữ 1999, người dân mới bắt đầu nhận ra rằng họ cũng có thể chơi tốt bóng đá, môn thể thao mà trong nhiều thập kỷ, đội tuyển nam của họ là một trong những đội yếu nhất.
Phụ nữ không chỉ là người chơi, mà còn là trọng tài và cổ động viên chuyên nghiệp nhất của môn túc cầu. Chính họ được hy vọng từ bỏ những khuôn mẫu nông cạn, như việc lên truyền hình nói về bóng đá chỉ để câu kéo lượt xem, ngay cả trong kỳ World Cup do nam giới thi đấu.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/wags-tuyen-duc-lai-bi-do-loi-o-world-cup-post1382100.html