Wall Street Journal: Phương Tây muốn Ukraine 'đưa ra quyết định khó khăn'
Anh, Pháp và Đức được cho là đã đề nghị cung cấp vũ khí và đảm bảo an ninh như một cách khuyến khích Ukraine đàm phán với Nga song Kiev đã từ chối.
London đã đề xuất cung cấp cho Kiev nhiều vũ khí và đảm bảo an ninh hơn để khuyến khích các cuộc đàm phán với Moscow, Wall Street Journal đưa tin ngày 24/2. Paris và Berlin cũng ủng hộ sáng kiến này và khuyên Tổng thống Volodymyr Zelensky đàm phán song nhà lãnh đạo Ukraine đã từ chối.
Mặc dù Tổng thống Pháp Emmanuel Macron công khai kêu gọi "một cuộc tấn công quân sự đẩy lùi quân đội Nga để mở đường cho các cuộc đàm phán" nhưng ông đã kín đáo khuyên ông Zelensky đưa ra "những quyết định khó khăn", các quan chức giấu tên nhận định với Wall Street Journal.
Trong một bữa tối ở Điện Elysee đầu tháng này, ông Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã nói với ông Zelensky rằng ông cần bắt đầu cân nhắc đến đàm phán hòa bình, các nguồn tin thân cận cho hay. London, Paris và Berlin hiện chưa bình luận về việc này.
"Chúng tôi đã nhiều lần nói rằng Nga không được giành chiến thắng nhưng điều đó nghĩa là gì? Nếu chiến tranh kéo dài với mức độ này, Ukraine sẽ không thể chịu được tổn thất", một quan chức cấp cao Pháp cho hay. Người này cũng nhận định: "Không ai tin rằng họ có thể giành lại Crimea".
Như một cách để khuyến khích Tổng thống Zelensky, Wall Street Journal cho biết Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã đề xuất một kế hoạch trao cho Kiev "sự tiếp cận lớn hơn với các loại đạn dược, vũ khí và thiết bị quân sự tiên tiến", điều sẽ được cân nhắc tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO trong tháng 7 tới.
"Hội nghị Thượng đỉnh NATO phải đưa ra được một đề xuất rõ ràng cho Ukraine, cũng như trao cho ông Zelensky chiến thắng chính trị mà ông ấy có thể trình bày với người dân Ukraine, cũng như là động lực để đàm phán", một quan chức Anh giấu tên cho hay. Theo quan chức này, nếu Nga nhận thấy phương Tây chuẩn bị ủng hộ Kiev nhiều hơn, có lẽ điều đó sẽ khiến Moscow bị thuyết phục rằng họ không thể đạt được các mục tiêu quân sự.
Pháp và Đức ủng hộ sáng kiến trên, đồng thời coi dó là một cách "thúc đẩy sự tự tin của Ukraine" cũng như cho nước này động lực để bắt đầu đàm phán với Nga, các nguồn tin giấu tên từ hai nước cho biết.
Kế hoạch của ông Sunak không bao gồm việc quân đội NATO sẽ đóng ở Ukraine hay trao cho Kiev cam kết theo Điều 5 Hiến chương NATO về phòng thủ tập thể. Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine Andrey Melnik nói đây là bước đi đầu tiên tốt nhưng Kiev cần "cam kết rõ ràng rằng nước này sẽ không bị ngăn chặn việc trở thành thành viên NATO, điều mà Kiev cho là giải pháp duy nhất cho một nền hòa bình lâu dài".
Ngày 24/2, Bộ Ngoại giao Nga đã liệt kê các điều kiện cho giải pháp ngoại giao nhằm chấm dứt xung đột, trong đó bao gồm việc phương Tây phải chấm dứt "hỗ trợ vũ khí và lính đánh thuê" cho Kiev, đồng thời Ukraine phải quay về tình trạng trung lập sau khi được "phi quân sự hóa" và "phi phát xít hóa".
Tổng thống Zelensky đã bác bỏ việc đàm phán với Nga khi nhận định ngày 24/2 rằng "không có gì để nói và không có ai để đàm phán ở đây"./.