Walter Stennes – Đối thủ của Hitler

Trong số các điệp viên Liên Xô hoạt động thành công trên lục địa châu Á, có lẽ vị trí đầu tiên thuộc về sĩ quan Đức Walter Stennes. Ông sinh ngày 12/4/1895 trong gia đình sĩ quan Felix Stennes và bà Louise. Từ mười đến mười lăm tuổi, Walter học tại một trường thiếu sinh quân nằm trong lâu đài Bensberg ở ngoại ô Cologne. Năm 1910, ông chuyển đến Trường Thiếu sinh quân Hoàng gia ở Berlin, nơi trong số các bạn cùng lớp của ông có Hermann Gring.

Người hùng chiến tranh

Ngay từ đầu Thế chiến thứ nhất, Walter Stennes được phong quân hàm trung úy và đến Bỉ trong thành phần trung đoàn bộ binh Westfalen số 3. Bị thương ở mặt trận, Walter Stennes chứng kiến tình đồng đội gắn bó keo sơn của những người lính Đức và lính Anh trong lễ Giáng sinh năm 1914. Walter Stennes là một chiến binh nổi tiếng mẫu mực trong quân đội Đức, không phải vô cớ mà khi chiến tranh kết thúc, đại úy Walter Stennes được tặng sáu huân chương chiến công, trong đó có huân chương Chữ thập Hiệp sĩ với thanh kiếm, huân chương Chữ thập sắt hạng nhất, huân chương Chữ thập Hanseatic và huy chương Bạc trị thương.

Điệp viên Walter Stennes.

Điệp viên Walter Stennes.

Tháng 12/1918, chàng sĩ quan dũng cảm được chuyển sang lực lượng dự bị và vào làm việc tại sở cảnh sát Berlin. Tại đây, cựu chiến binh Walter Stennes phụ trách một đại đội đặc nhiệm. Vào thời gian này, các tướng Đức Hans von Seeckt và Ewald von Kleist mời Walter Stennes tham gia tổ chức “Schwarze Reichswehr” (“Vũ trang Đen”). Ông bắt đầu hoạt động này dưới hình thức “Quân đoàn tình nguyện Stennes” gồm các đồng đội của mình trong trung đoàn bộ binh Westfalen số 3. Như vậy, đơn vị bán quân sự với số lượng gần 500 người đã được thành lập.

Quân đoàn được sử dụng để đàn áp các cuộc bãi công và nổi dậy của công nhân ở nhiều thành phố Đức. Năm 1920, Walter Stennes được bổ nhiệm chức tư lệnh quân quản thành phố Hamm.

Đây là thời điểm nước Đức phải bồi thường cho các đồng minh chiến thắng trong Thế chiến thứ nhất, đồng tiền mất giá và tương lai trở nên ảm đạm. Đảng Quốc Xã hứa hẹn giúp đỡ nhân dân.

Cuộc gặp giữa Adolf Hitler và Walter Stennes diễn ra tại Munich theo sáng kiến của Erich Friedrich Wilhelm Ludendorff, một tướng lĩnh và chiến lược gia quân sự quan trọng của Đức. Và Walter Stennes đã đồng ý gia nhập Đảng Quốc xã với điều kiện được đứng đầu tổ chức bán quân sự SA của Đảng Quốc xã. Hitler đã đồng ý.

Quân đoàn của Walter Stennes trên đường phố Berlin.

Quân đoàn của Walter Stennes trên đường phố Berlin.

Thất vọng về Hitler

Giờ đây, Walter Stennes chỉ huy các đơn vị bán quân sự của đảng ở Berlin và 7 bang quan trọng nhất của liên bang Đức với tổng quân số lên tới 30.000 người. Họ được trang bị tốt và có kinh nghiệm trận mạc. Sau khi được trao quyền, Walter Stennes không vội vàng thực hiện lời hứa của mình và chỉ chính thức gia nhập Đảng Quốc xã vào năm 1927.

Nhưng ngay cả sau đó, Walter Stennes vẫn không tuân theo mệnh lệnh của lãnh tụ, và vào mùa thu năm 1930, ông đã tổ chức một cuộc chính biến chống lại Hitler. Yêu cầu chính của những người khởi nghĩa là tăng cường hỗ trợ vật chất.

Từ Munich, Hitler đến Berlin để thảo luận với Walter Stennes về các vấn đề nảy sinh.

Thời gian này, tại thủ phủ của Bayern, người ta tiến hành xây dựng lại tòa nhà của nhà công nghiệp Anh Willie Barlow thành trụ sở của đảng - cái gọi là “ngôi nhà màu nâu”. Công trình này tốn khảng 805.864 mác vàng.

Đó là lý do tại sao Walter Stennes nói với Hitler: “Hoặc là gạch cho ngôi nhà màu nâu ở Munich, hoặc là đế ủng cho những người lính xung kích của tôi ở Berlin”. Kết quả là lần này hầu như mọi yêu cầu của chỉ huy trưởng lực lương SA đều được đáp ứng. Quả thật, Hitler đã sa thải tham mưu trưởng SA von Salomon và bổ nhiệm Ernst Rhm, nhân vật sau này trở nên khá nổi tiếng, thay thế ông ta. Người ta cử Leonardo Conti, một sĩ quan quân y biệt phái đến đơn vị của Walter Stennes để theo theo dõi ông. Như vậy, nhìn bề ngoài, mọi việc đã được điều chỉnh. Thậm chí Goebbels còn thay mặt Hitler đến dự và chúc mừng Walter Stennes tại đám cưới của ông diễn ra ở Berlin ngày 17/12/1930.

Nhưng cặp vợ chồng mới cưới có tham vọng lớn hơn. Ông định đưa các đơn vị của mình ra khỏi tầm kiểm soát của Đảng Quốc xã và biến thành một lực lượng chính trị độc lập trong nước. Hitler và Rhm đã tìm cách ngăn chặn các hành động đó, và vào ngày 31/3/1931, Hitler ra lệnh bổ nhiệm Walter Stennes vào một chức vụ thấp hơn ở Munich. Tuy nhiên, Walter Stennes đã tập hợp những người trung thành với mình, chiếm trụ sở đảng, và ngày 1/4/1931, dẫn đội quân xung kích của mình xuống đường phố Berlin.

Một bước ngoặt đã diễn ra trong quan hệ giữa Stennes và Hitler. Tuy nhiên, Goebbels đã khéo léo thực hiện một chiến dịch truyền thông, theo cách nói hiện nay, để làm mất uy tín của người đứng đầu tổ chức SA: Walter Stennes bị vu cáo là Cộng sản, mật vụ và gián điệp của Moscow, bị khai trừ khỏi đảng và tước bỏ mọi chức vụ. Sau này, Walter Shtennes nói rằng Hitler giành thắng lợi chỉ nhờ uy tín của Paul Schultz, người đứng đầu tổ chức SA ở Berlin, chứ không phải nhờ uy tín của mình.

Trong giai đoạn tiếp theo, tất cả những người có thiện cảm với kẻ nổi loạn đều bị khai trừ khỏi Đảng Quốc xã.

Tưởng Giới Thạch và cố vấn Walter Stennes.

Tưởng Giới Thạch và cố vấn Walter Stennes.

Ở Trung Quốc

Không đầu hàng, Walter Stennes thành lập “Mặt trận đen” mới (“Phong trào đấu tranh của những người Quốc xã cách mạng”). Ông liên kết với một trong những thủ lĩnh của tổ chức SA, Otto Strasser, người lãnh đạo cánh tả của Đảng Quốc xã, và bắt đầu xuất bản tờ báo riêng “Công Nông Binh” lên án gay gắt hành động của Đảng Quốc xã.

Tháng 1/1933, sau khi Adolf Hitler trở thành thủ tướng và giải tán quốc hội, nguy cơ thực sự đang rình rập đối thủ cũ của quốc trưởng. Có thông tin đồn rằng Walter Stennes cùng vợ và con gái đã trốn khỏi nước Đức. Hermann Gring, lúc bấy giờ là Bộ trưởng Nội vụ Phổ, đã thuyết phục Hitler không trừng trị người anh hùng trong Thế chiến thứ nhất, để không làm hỏng mối quan hệ với các quân nhân. Và y khuyên bạn đồng môn cũ của mình ngay lập tức rời khỏi Đức sau khi ra tù. Walter Stennes chuyển đến Thụy Sĩ.

Nhưng nước Đức không quên Walter Stennes. Theo sự giới thiệu của những người thân và bạn bè có thế lực, cựu lãnh đạo SA được cử đến Trung Quốc với tư cách là một trong những cố vấn quân sự cho chính phủ Quốc Dân Đảng. Tại đây, ông được giao nhiệm vụ tổ chức lại quân đội và cảnh sát Quốc Dân Đảng theo kiểu Đức. Walter Stennes đã gây ấn tượng tốt với Tưởng Giới Thạch và chẳng bao lâu trở thành đội trưởng đội cận vệ riêng của ông ta, gồm hai nghìn chiến binh.

Ông cố vấn người Đức kết bạn với những người đồng hương trong số các nhà ngoại giao và sĩ quan tình báo, đồng thời duy trì quan hệ thân mật với đại diện Gestapo tại Nhật Bản, Josef Meisinger.

Mùa hè năm 1938, Đức triệu hồi các cố vấn quân sự của mình rời khỏi Trung Quốc vì nước này quan tâm đến mối quan hệ tốt đẹp với Nhật Bản. Walter Stennes nhiều lần từ chối yêu cầu trở về tổ quốc.

Walter Stennes ở Đức.

Walter Stennes ở Đức.

Điệp viên Liên Xô

Chính trong thời gian này, Walter Stennes tỏ ý sẵn sàng giúp đỡ tình báo Liên Xô. Tại cuộc gặp gỡ với người phụ trách tình báo đối ngoại Liên Xô, Walter Stennes tuyên bố rằng mục đích của ông là lật đổ Adolf Hitler và thành lập một chính phủ liên minh dân chủ ở Đức.

Tiếp theo, Walter Stennes giải thích rằng ông có điều kiện trao đổi thông tin với các nhân viên tình báo Mỹ, Anh, Pháp, và vì lý do “tế nhị”, sẵn sàng chia sẻ thông tin với tình báo Liên Xô mà không nêu tên các nguồn của mình. Tổng cục Tình báo Quân đội Liên Xô đã đặt cho Walter Stennes bí danh “Ông bạn”.

Nhà sử học Mỹ Jay Taylor cho rằng có mối liên hệ chặt chẽ giữa “Ông bạn” và Richard Sorge, điệp viên Liên Xô tại Đại sứ quán Đức ở Tokyo. Theo Jay Taylor, chính “Ramsay” là người đã thông báo cho “Ông bạn” về việc Đức chuẩn bị tấn công Liên Xô vào năm 1941. Walter Stennes chuyển thông tin này cho Tưởng Giới Thạch, Tưởng Giới Thạch chuyển cho Chu Ân Lai, rồi Chu Ân Lai chuyển cho Joseph Stalin.

Mùa thu năm 1941, “Ông bạn” thông báo với Moscow rằng Nhật Bản không có kế hoạch tấn công Liên Xô. Thông tin này bổ sung cho thông tin của Richard Sorge, người mà Stalin không tin tưởng. Do đó, Bộ chỉ huy quân đội Liên Xô đã đưa ra một quyết định quan trọng là chuyển hàng chục sư đoàn được trang bị đầy đủ từ Viễn Đông sang mặt trận phía Tây, điều này có ảnh hưởng đáng kể đến kết quả của trận Moscow.

Walter Stennes cũng kịp thời cung cấp thông tin về cuộc gặp dự kiến diễn ra vào tháng 11/1943 tại Cairo giữa Tổng thống Mỹ Roosevelt, Thủ tướng Anh Churchill và Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc Tưởng Giới Thạch, với sự tham gia của các cố vấn quân sự và ngoại giao của họ. Những thông tin này giúp Liên Xô chuẩn bị Hội nghị các nước đồng minh ở Tehran về liên minh chống Hitler và bảo vệ lợi ích của Liên Xô ở châu Âu thời hậu chiến.

Tuổi gia lặng lẽ

Sau khi Nhật Bản ký văn kiện đầu hàng, Walter Stennes chuyển sang Đài Loan. Năm 1949, ông trở về Đức cùng gia đình và định cư ở Berlin, trong vùng chiếm đóng của Anh.

Những nỗ lực tham gia vào đời sống chính trị của ông bắt đầu từ việc phản đối đường lối chính trị của Thủ tướng Đức đầu tiên thời hậu chiến, Konrad Adenauer. Sau đó, Walter Stennes trở thành thành viên Đoàn Chủ tịch Hội đồng Quốc gia thuộc Mặt trận Dân tộc của nước Đức Dân chủ và thậm chí còn tham gia cuộc bầu cử quốc gia ở CHDC Đức năm 1951. Ông xuất bản một bản tin chính trị được các nhà băng và các nhà công nghiệp ưa chuộng.

Năm 1952, sau một số cuộc gặp ở Berlin giữa đại diện Bộ An ninh Quốc gia Liên Xô và Walter Stennes, Tổng cục Tình báo Quân đội kết luận rằng “Ông bạn” không thể giúp ích gì hơn và liên hệ với ông hoàn toàn chấm dứt.

Walter Stennes nộp đơn xin công nhận mình là nạn nhân của chế độ Quốc xã, nhưng đã bị Tòa án Liên bang bác bỏ vào năm 1957. Trong những năm tiếp theo, ông sống ở thành phố Brugge của Bỉ, sau đó ở bang North Rhine-Westphalia (vùng Ldenscheid).

Walter Stennes qua đời ngày 18/5/1989. Ông an nghỉ tại nghĩa trang thành phố Ldenscheid.

Trần Hậu (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/walter-stennes--doi-thu-cua-hitler-i707982/