Washington nói không với sáng kiến của WHO về Covid-19
Các nhà lãnh đạo thế giới hôm 24-4 cam kết đẩy nhanh hoạt động xét nghiệm, sản xuất thuốc và vắc-xin chống lại đại dịch Covid-19 nhưng Mỹ từ chối tham gia sáng kiến này.
Lãnh đạo 3 nước Đức, Pháp và Nam Phi thuộc số các quan chức tham gia hội nghị trực tuyến hôm 24-4 để khởi động sáng kiến trên, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xem là "sự hợp tác mang tính bước ngoặt" để khống chế Covid-19.
Một mục tiêu khác của sáng kiến là bảo đảm cả người giàu lẫn người nghèo tiếp cận bình đẳng đối với các loại vắc-xin, thuốc đặc trị Covid-19. Ông Seth Berkley, Giám đốc điều hành Liên minh Toàn cầu về vắc-xin và tiêm chủng, cho biết hiện có hơn 100 vắc-xin phòng Covid-19 tiềm tàng đang được phát triển, trong 6 loại đang được thử nghiệm lâm sàng.
Đáng chú ý, Mỹ tuyên bố không tham gia sáng kiến do WHO đứng đầu nói trên, động thái nối tiếp bước đi ngưng tài trợ cho WHO với cáo buộc cơ quan này "che đậy" tình hình dịch Covid-19 ở Trung Quốc.
Theo ngân sách của WHO trong giai đoạn 2020-2021, việc Mỹ hoãn tài trợ WHO có thể đe dọa đến khoản tài trợ trị giá hàng triệu USD cho bệnh bại liệt, lao và điều trị HIV/AIDS, cũng như những chương trình dành cho các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin và kiểm soát dịch bệnh.
Ông Jia Qingguo, chuyên gia tại Trường ĐH Bắc Kinh, nhận định quan hệ Mỹ - Trung Quốc đã xấu đi trong những năm qua và sự bùng phát của đại dịch Covid-19, cộng với tranh cãi về hoạt động của WHO, khiến mọi việc thêm tồi tệ.
Một nguồn tin tiết lộ với tờ South China Morning Post (Hồng Kông) rằng một cuộc họp trực tuyến được lên kế hoạch giữa lãnh đạo các nước G20 (nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới) đã bị hủy phút cuối hôm 24-4 vì tranh cãi nảy lửa giữa Trung Quốc và Mỹ về vai trò của WHO.
Theo nguồn tin giấu tên, Mỹ khăng khăng buộc WHO chịu trách nhiệm về việc chậm trễ ứng phó đại dịch giai đoạn đầu. Trong khi đó, Trung Quốc phản đối mạnh mẽ việc thảo luận về đề xuất điều tra WHO. "Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đã xấu đi rất nhiều và điều đó rất đáng lo ngại. Tương lai sẽ càng tồi tệ hơn" - ông Shen Dingli, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Trường ĐH Phục Đán (Trung Quốc), nhận định.