Washington Post: Mỹ lên kế hoạch cho chính phủ lưu vong, chiến tranh du kích ở Ukraine?
Tờ Washington Post đưa tin Mỹ và các đồng minh đang âm thầm lên 'kế hoạch dự phòng' trong trường hợp chiến dịch của Nga thành công, buộc chính phủ Ukraine đương nhiệm phải lưu vong.
Theo Washington Post, viễn cảnh quân đội Nga tiến vào thủ đô Kiev của Ukraine đã buộc Bộ Ngoại giao Mỹ phải gấp rút xây dựng hàng loạt kế hoạch.
“Chúng tôi đang lập kế hoạch dự phòng cho mọi khả năng”, một quan chức chính quyền Mỹ nói với Washington Post, đồng thời cho biết thêm rằng có một kịch bản mà trong đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ thành lập chính phủ lưu vong ở Ba Lan.
Tờ báo này cho biết Washington đang hy vọng những vũ khí mà Mỹ và các đồng minh chuyển đến Ukraine sẽ được sử dụng để trong cuộc nổi dậy của lực lượng địa phương. Khi đó, Tổng thống Zelensky sẽ đóng vai trò “nòng cốt” tập hợp những người Ukraine tiếp tục chiến đấu chống lại Nga, theo Washington Post.
Hôm 4/3, NBC News đưa tin một nhóm nghị sĩ bảo thủ tại Hạ viện Mỹ đã gặp Robert O’Brien, cựu Cố vấn An ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong đó, ông O’Brien đã kêu gọi nhóm nghị sĩ ủng hộ chính phủ của Tổng thống Zelensky bất kể họ ở đâu.
“Chúng ta nên công nhận họ là một chính phủ lưu vong, ở Warszawa (Ba Lan) hoặc ở London (Anh). Và khi ấy chúng ta nên gọi Ukraine là quốc gia bị chiếm đóng”, ông O’Brien nói với NBC News sau cuộc họp.
Các nghị sĩ Mỹ tin rằng việc ông Zelensky tiếp tục ở lại Ukraine sẽ mang lại nhiều lợi thế, bao gồm “lợi thế chính trị”, “lợi thế hình ảnh” và “lợi thế về tinh thần”. Nhưng những lợi thế này sẽ mất đi nếu tính mạng của ông gặp nguy hiểm, NBC News cho biết.
Một phần khác của kế hoạch là hỗ trợ cái mà Mỹ gọi là một cuộc nổi dậy “ủng hộ độc lập” trong tương lai, bao gồm cả việc cung cấp vũ khí cho lực lượng nổi dậy. Raja Krishnamoorthi - thành viên Ủy ban Tình báo Hạ viện nói với NBC News hôm thứ Sáu rằng: “Chúng tôi phải đảm bảo rằng họ được trang bị cũng như được hỗ trợ thông tin tình báo để chống lại Nga.”
Nghị sĩ Seth Moulton - một cựu quân nhân từng tham chiến tại Iraq và đã thăm Ukraine tháng 12 năm ngoái - ủng hộ việc cung cấp vũ khí nhỏ, đạn dược và chất nổ cho người Ukraine để trang bị cho các cuộc chiến đấu du kích.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hiện chưa đưa ra bất kỳ bình luận chính thức nào về các kế hoạch được cho là nhằm hỗ trợ một cuộc nổi dậy tiềm tàng ở Ukraine. Theo Washington Post, các quan chức Mỹ và NATO đang cảnh giác với việc công khai ủng hộ những ý tưởng như vậy vì sợ bị lôi kéo vào cuộc đối đầu trực tiếp với Mátxcơva.
Hôm 5/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã so sánh lệnh trừng phạt nặng nề mà các quốc gia phương Tây áp đặt lên Nga như một “lời tuyên chiến”.
Nga khai màn chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hôm 24/2, với mục đích “phi quân sự hóa” Ukraine, bảo vệ lợi ích của hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk - Lugansk cũng như lợi ích an ninh của Mátxcơva.
Nga khẳng định chỉ sử dụng vũ khí chính xác cao để tấn công các mục tiêu quân sự, không ảnh hưởng đến dân thường. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng nhấn mạnh Mátxcơva không có kế hoạch chiếm đóng các vùng lãnh thổ của Ukraine.