WB dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022 đạt 5,3%
Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022 đạt 5,3% với kịch bản cơ bản và 4% với kịch bản xấu. Mức tăng trưởng này được dự báo thấp hơn so với dự báo vào tháng 10/2021 (6,5% trong năm 2022).
WB vừa công bố Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương tháng 4/2022 “Đương đầu bão tố: Tổng quan”.
Theo báo cáo, đầu năm 2022, các quốc gia Đông Á - Thái Bình Dương dường như đều đã bước vào lộ trình phục hồi vững chắc. Cả khu vực đã thoát khỏi làn sóng biến chủng Delta và bị ảnh hưởng tương đối ít từ làn sóng biến chủng Omicron. Điều kiện tài chính và thương mại quốc tế vẫn bình ổn, Chính phủ các quốc gia đã tính đến việc quay lại củng cố tình hình tài khóa.
Tuy nhiên, gia tăng lạm phát tại Hoa Kỳ đã khiến cho điều kiện tài chính bị thặt chặt nhanh hơn dự kiến, Trung Quốc đương đầu với lây nhiễm Covid-19 gia tăng và căng thẳng tiếp tục diễn ra ở các doanh nghiệp bất động sản có tỷ lệ đòn bẩy quá cao, và xung đột Nga- Ucraine.
“Mặc dù một số quốc gia lớn có thể được trang bị tốt hơn để đương đầu với những cú sốc nêu trên, nhưng những tác động đó sẽ làm giảm triển vọng tăng trưởng ở hầu hết các nước trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Chính vì vậy, dự báo tăng trưởng khu vực năm 2022 đã hạ từ mức 5,4% trong kỳ cập nhật trước đó xuống còn 5%. Theo kịch bản xấu, nếu tình hình toàn cầu trở nên xấu hơn và phản ứng chính sách trong nước yếu ớt thì tăng trưởng có thể giảm còn 4%”- báo cáo của WB chỉ rõ.
Tuy nhiên, phục hồi diễn ra không đồng đều giữa các quốc gia và các lĩnh vực. Cụ thể, trong báo cáo, trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, Việt Nam đứng thứ 5 về tăng trưởng GDP, với mức tăng trưởng 5,3% ở kịch bản cơ bản và 4% ở kịch bản xấu. Philippines dự báo tăng 5,7%; Malaysia 5,5%; Indonesia 5,1%; Trung Quốc 5%; Lào 3,8%; Thái Lan 2,9%… ở kịch bản cơ bản.
Theo WB, trong lúc khu vực Đông Á - Thái Bình Dương chống chọi với cơn bão Covid-19, thì các nước cũng đang đối mặt với bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động. Tuy nhiên, WB cho rằng, những cú sốc trên cũng đem đến một số cơ hội. “Chuyển dịch trong bối cảnh thương mại quốc tế đang tạo ra những ngách hàng xuất khẩu mới. Trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, một số hoạt động sản xuất đang dời khỏi Trung Quốc; hay trong lĩnh vực giao nhận số hóa cũng giúp trao đổi thương mại quốc tế hơn”, báo cáo của WB chỉ rõ.
Ngoài ra, sự lan tỏa công nghệ số cũng có thể nâng cao năng suất, không chỉ ở một số ít các quốc gia và doanh nghiệp tiên phong mà còn ở nhiều quốc gia và doanh nghiệp có hiệu suất thấp hơn. Công nghệ xanh ngày càng khả thi có thể tạo điều kiện cho các quốc gia Đông Á - Thái Bình Dương giảm phát thải carbon và ứng phó với tình trạng mất an ninh năng lượng mới.
Để giảm thiểu rủi ro và nắm bắt cơ hội, theo WB, các quốc gia phải nâng cao hiệu suất chính sách tài khóa cho phục hồi và tăng trưởng. Hỗ trợ có mục tiêu và hiệu suất cao hơn cho các hộ gia đình và doanh nghiệp sẽ hạn chế ảnh hưởng của các cú sốc, tạo dư địa để đầu tư cơ sở hạ tầng thương mại, năng lượng và lan tỏa công nghệ.
Cùng với đó, triển khai thực hiện các biện pháp hỗ trợ tài khóa; cam kết thực hiện những quy tắc tài khóa và cải cách về thu và chi trong tương lai; tăng cường các chính sách an toàn vĩ mô nhằm giảm nhẹ rủi ro từ sự thắt chặt tài chính toàn cầu. Ngoài ra, theo WB, chính sách tiền tệ vẫn cần cảnh giác với những áp lực lạm phát mới.
“Đáng lưu ý, các quốc gia cũng cần cải cách các chính sách thương mại đối với hàng hóa, đặc biệt là những lĩnh vực dịch vụ hiện vẫn đang được bảo hộ tại Đông Á - Thái Bình Dương nhằm tận dụng sự dịch chuyển trong bối cảnh thương mại toàn cầu. Tham gia vào các hiệp định thương mại có chiều sâu cũng là chất xúc tác cải cách trong nước, đảm bảo tiếp cận thị trường nước ngoài và cải cách chính sách, hỗ trợ khuyến khích lan tỏa công nghệ”, WB khuyến nghị.
Thu Phương