WB hé lộ thông tin quan trọng trong Báo cáo Sẵn sàng kinh doanh

Báo cáo Sẵn sàng kinh doanh của WB cho thấy, tư duy khác nhau của các nền kinh tế trong cải thiện môi trường kinh doanh và cung cấp dịch vụ công.

Báo cáo Sẵn sàng kinh doanh do Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố nhằm đánh giá môi trường kinh doanh và đầu tư của 50 quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam cho thấy, giữa ban hành quy định cải thiện môi trường kinh doanh và cung cấp dịch vụ công cần thiết để đảm bảo tiến bộ thực sự, các nền kinh tế đang làm tốt mảng việc đầu tiên hơn.

Cụ thể, gần như tất cả 50 nền kinh tế được đánh giá trong năm nay đều đạt điểm cao hơn khi xem xét về khuôn khổ pháp lý so với cung cấp các dịch vụ công tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tuân thủ. Khoảng cách về thực thi chính sách này khiến các doanh nghiệp, người lao động và toàn xã hội không thể tận dụng đầy đủ lợi ích của một môi trường kinh doanh lành mạnh.

Báo cáo Sẵn sàng kinh doanh do Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố nhằm đánh giá môi trường kinh doanh và đầu tư của 50 quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam (Ảnh: KL)

Báo cáo Sẵn sàng kinh doanh do Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố nhằm đánh giá môi trường kinh doanh và đầu tư của 50 quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam (Ảnh: KL)

Trên thang điểm từ 0 đến 100, các nền kinh tế đạt điểm trung bình 65,5 về chất lượng khuôn khổ pháp lý, nghĩa là trung bình các nền kinh tế đã đi được gần hai phần ba chặng đường để tạo ra môi trường thuận lợi cho kinh doanh. Nhưng các nền kinh tế chỉ đạt điểm 49,7 cho dịch vụ công, cho thấy họ chỉ sẵn sàng một nửa so với mức cần thiết.

“Với tăng trưởng kinh tế chậm lại do nhân khẩu học, nợ nần và xung đột, tiến bộ sẽ chỉ đến thông qua sự hiệu quả của khối tư nhân,” - ông Indermit Gill - Chuyên gia kinh tế trưởng và Phó Chủ tịch cấp cao về Kinh tế phát triển của Nhóm Ngân hàng Thế giới cho biết. “Điều đó phụ thuộc vào các điều kiện thuận lợi - đó là một môi trường đầu tư tạo điều kiện cho doanh nhân tạo ra phép màu kinh tế khi họ được trao một nửa cơ hội, mà những phép màu kinh tế đó là rất cần thiết lúc này”.

Báo cáo Sẵn sàng kinh doanh cũng đo lường điều kiện thực tế mà doanh nghiệp phải đối mặt. Các điều kiện này rất khác nhau giữa 50 nền kinh tế được đánh giá trong năm nay. Phải mất từ 3 đến 80 ngày để một công ty trong nước đăng ký thành công - và lên đến 106 ngày đối với một công ty nước ngoài. Các công ty phải đối mặt với trung bình bốn lần mất điện mỗi tháng, và con số này có thể lên tới 22 lần. Trung bình, phải mất hơn hai năm để giải quyết tranh chấp kinh doanh tại tòa án, và thời gian có thể kéo dài tới 5 năm hoặc ít nhất là 105 ngày.

“Các nền kinh tế giàu có hơn thường có môi trường thuận lợi cho kinh doanh hơn, nhưng các nền kinh tế không nhất thiết phải giàu có mới có thể có môi trường kinh doanh tốt,” - ông Norman Loayza - Giám đốc Nhóm chỉ số của Ngân hàng Thế giới, đơn vị thực hiện báo cáo Sẵn sàng Kinh doanh cho biết. “Phân tích cho thấy, các nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình cũng có thể tạo ra được môi trường thuận lợi cho kinh doanh. Ví dụ, Rwanda, Georgia, Colombia, Việt Nam và Nepal hoạt động tốt trong nhiều lĩnh vực như chất lượng quy định, sức mạnh của các dịch vụ công và hiệu quả chung của hệ thống”.

Báo cáo Sẵn sàng kinh doanh đầu tiên phát hành năm 2024 đánh giá môi trường kinh doanh tại 50 nền kinh tế, cung cấp một tập dữ liệu mở rộng – 1200 chỉ số cho mỗi nền kinh tế – để xác định các lĩnh vực cụ thể có cải thiện, qua đó thúc đẩy cải cách. Báo cáo sẽ mở rộng tới 180 nền kinh tế vào năm 2026, cung cấp chuẩn mực toàn cầu đầy đủ.

Nguyễn Hòa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/wb-he-lo-thong-tin-quan-trong-trong-bao-cao-san-sang-kinh-doanh-350309.html