WB hỗ trợ các nước nghèo vượt qua khó khăn
Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 26/1 đã công bố gói cứu trợ 100 triệu USD cho nạn nhân lũ lụt ở Nam Sudan.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc khu vực của WB phụ trách Eritrea, Ethiopia, Nam Sudan và Sudan ở khu vực Đông và Nam Phi nói với các nhà báo rằng các gói tài trợ được phê duyệt sẽ được cung cấp cho Chính phủ Nam Sudan vào giữa năm 2022.
Theo ông Dione, WB tin rằng chương trình nghị sự về lũ lụt ở Nam Sudan cần được thực hiện nghiêm túc và gói tài trợ đã được phê duyệt hy vọng sẽ được giải ngân. Theo các cơ quan của Liên hợp quốc, lũ lụt đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo, vốn đã rất thảm khốc tại quốc gia châu Phi này, với 7,2 triệu người, trong đó hàng triệu trẻ em đang phải đối mặt với nạn đói. Lũ lụt nặng nề kể từ tháng 5/2021 đã ảnh hưởng đến hơn 840.000 người trên bảy bang của Nam Sudan.
WB đã hỗ trợ một số dự án tích cực trong các lĩnh vực nông nghiệp, y tế, bảo trợ xã hội và hỗ trợ cộng đồng với tổng số tiền là 265 triệu USD. Ông Dione cho biết tổ chức này đã huy động thêm 38 triệu USD để hỗ trợ những người dân tị nạn ở Nam Sudan và các cộng đồng tiếp nhận. Ngoài ra, ông Dione còn nhấn mạnh rằng WB không chỉ hỗ trợ các chương trình phát triển mà còn tài trợ cho việc nâng cao năng lực ở quốc gia châu Phi này.
Nam Sudan đang nỗ lực ổn định nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá, trong bối cảnh lạm phát cao do gián đoạn sản xuất dầu trong nhiều năm xung đột kể từ tháng 12/2013. Việc giá dầu quốc tế suy giảm cũng ảnh hưởng nặng nề đến nguồn thu cho chi tiêu tài chính vốn phụ thuộc 95% vào dầu mỏ của nước này.
Trước đó, các chuyên gia của WB cho biết, các quốc gia nghèo nhất thế giới trong năm nay sẽ phải tăng mạnh các khoản thanh toán cho các chủ nợ, với khoảng 60% các quốc gia có thu nhập thấp đang cần tái cơ cấu nợ.
Theo WB, 74 quốc gia có thu nhập thấp trên thế giới trong năm 2022 sẽ phải thanh toán tổng cộng 35 tỷ USD, tăng 45% so với số tiền họ đã trả vào năm 2020 theo số liệu mới nhất hiện có. Một trong những nước có nguy cơ vỡ nợ nhất là Sri Lanka, trong khi giới đầu tư đặc biệt lo ngại về nguy cơ vỡ nợ của Ghana, El Salvador và Honduras.