WB: Khu vực Nam Á đang đứng trước nguy cơ đánh mất lợi thế về nhân khẩu học
Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, việc tạo việc làm ở các nền kinh tế Nam Á đang không theo kịp tốc độ gia tăng dân số trong độ tuổi lao động, khiến khu vực này có nguy cơ 'phung phí lợi thế về nhân khẩu học của mình'.
Theo dữ liệu từ báo cáo của WB công bố ngày 2/4, trong giai đoạn 2000-2023, tỷ lệ việc làm mới ở Nam Á tăng 1,7% mỗi năm, trong khi dân số trong độ tuổi lao động tăng 1,9%/năm.
Về mặt tuyệt đối, khu vực này đã tạo ra trung bình 10 triệu việc làm mỗi năm, trong khi dân số trong độ tuổi lao động tăng trung bình 19 triệu người/năm.
Nhìn chung, trong giai đoạn 2000-2023, tăng trưởng việc làm thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng dân số trong độ tuổi lao động trung bình, đi kèm với tỷ lệ việc làm giảm, báo cáo của WB nhận định.
Bà Franziska Ohnsorge, chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Nam Á cho biết, lợi thế về nhân khẩu học của khu vực Nam Á đang bị bỏ lỡ và lãng phí.
“Người lao động không được tuyển dụng. Đó là một cơ hội tuyệt vời để phát triển nhưng cho đến gần đây, tỷ lệ việc làm vẫn giảm”, bà Ohnsorge nói.
WB dự báo, tăng trưởng kinh tế ở Nam Á sẽ ở mức 6-6,1% trong năm tài chính kết thúc vào ngày 31/3/2025, phần lớn nhờ vào sự tăng trưởng mạnh mẽ ở Ấn Độ, nơi nền kinh tế được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 6,6%.
Ở Ấn Độ, tăng trưởng đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19, nhờ chi tiêu mạnh của chính phủ vào các ngành chủ chốt, nhất là xây dựng, song đầu tư tư nhân tại nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á vẫn còn yếu, gây ảnh hưởng đến việc tạo việc làm.
Theo WB, trong giai đoạn 2000-2022, tỷ lệ việc làm ở Ấn Độ đã giảm nhiều hơn bất kỳ quốc gia Nam Á nào khác ngoại trừ Nepal, nhưng dữ liệu sơ bộ cho thấy sự phục hồi vào năm 2023 đã đảo ngược một phần sự suy giảm trước đó.
Trong báo cáo, WB cũng khuyến nghị các quốc gia Nam Á cần giải quyết một số hạn chế về chính sách để đẩy nhanh quá trình tạo việc làm.
Các giải pháp bao gồm phát triển các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất thuê nhân công, hợp lý hóa các quy định về lao động và thị trường đất đai, đồng thời cởi mở hơn với thương mại quốc tế.