WB: Kinh tế toàn cầu sắp trải qua nửa thập kỷ tăng trưởng thấp nhất trong 30 năm

Hãng tin CNBC dẫn thông tin từ Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, nền kinh tế toàn cầu đang trên đà trải qua nửa thập kỷ tăng trưởng thấp nhất trong vòng 30 năm qua.

 Tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại vào năm 2024. Ảnh minh họa: Báo Lao động

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại vào năm 2024. Ảnh minh họa: Báo Lao động

Cụ thể, trong báo cáo “Triển vọng kinh tế toàn cầu” mới nhất được công bố vào ngày 9/1, WB cho biết, tăng trưởng toàn cầu được dự báo sẽ chậm lại trong năm thứ ba liên tiếp vào năm 2024, tức giảm từ mức 2,6% ghi nhận vào năm 2023 xuống còn 2,4% trong năm nay. Đến năm 2025, mức tăng trưởng dự kiến sẽ tăng nhẹ lên 2,7%, mặc dù tốc độ tăng tốc trong giai đoạn 5 năm vẫn sẽ thấp hơn gần 3/4 so với tốc độ trung bình của những năm 2010.

Ngoài ra, mặc dù nền kinh tế toàn cầu tỏ ra kiên cường khi đối mặt với rủi ro suy thoái vào năm 2023, nhưng căng thẳng địa chính trị gia tăng sẽ đặt ra những thách thức mới trong tương lai ngắn hạn, khiến so với thập kỷ trước, hầu hết các nền kinh tế sẽ tăng trưởng chậm hơn vào năm 2024 và 2025.

Trong bối cảnh đang xảy ra xung đột ở Đông Âu, xung đột giữa Nga và Ukraine, xung đột ở Trung Đông…, nếu không có “sự điều chỉnh lớn”, những năm 2020 sẽ trôi qua “như một thập kỷ của những cơ hội bị lãng phí”, Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo.

Các nền kinh tế đang phát triển bị ảnh hưởng nặng nề nhất

Xét trên cơ sở khu vực, tốc độ tăng trưởng trong năm nay được dự báo sẽ yếu đi ở hầu hết các khu vực Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Á và châu Á - Thái Bình Dương, chủ yếu là do tốc độ tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc. Dự báo sẽ có một sự cải thiện nhẹ được chứng kiến ở châu Mỹ Latinh và Vùng Caribe.

Tuy nhiên, các nền kinh tế đang phát triển vẫn là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong tương lai trung hạn, do tác động từ thương mại toàn cầu trì trệ và điều kiện tài chính thắt chặt đè nặng lên tăng trưởng.

Lãnh đạo WB nhận xét: “Tăng trưởng trong ngắn hạn sẽ vẫn yếu, khiến nhiều nước đang phát triển - đặc biệt là những nước nghèo nhất bị mắc kẹt trong cái bẫy: mức nợ tê liệt và khả năng tiếp cận thực phẩm khó khăn đối với 1/3 dân số”.

Theo đó, hiện các nền kinh tế đang phát triển được dự đoán sẽ chỉ tăng trưởng 3,9% vào năm 2024, thấp hơn 1% so với mức trung bình của thập kỷ trước. WB nhận định, đến cuối năm nay, người dân ở khoảng 1/4 các quốc gia đang phát triển và khoảng 40% các nước có thu nhập thấp vẫn sẽ nghèo hơn so với thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2019.

Ngân hàng WB cũng cho biết thêm, thế giới đã thất bại trong mục tiêu biến những năm 2020 trở thành “thập kỷ biến đổi” trong nỗ lực giải quyết tình trạng nghèo đói cùng cực, giải quyết các bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng và chống biến đổi khí hậu. Dù vậy, vẫn có cơ hội lật ngược thế cờ nếu chính phủ các nước hành động nhanh chóng để tăng cường đầu tư và củng cố khuôn khổ chính sách tài khóa.

Trong báo cáo được công bố trước Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vào tuần trước, nơi tập trung họp bàn về chính trị, kinh tế và các vấn đề xã hội toàn cầu, với sự tham gia của các nhà lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp quốc tế, các chuyên gia đã chia sẻ rằng sự bùng nổ đầu tư có khả năng chuyển đổi các nền kinh tế đang phát triển và giúp họ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng. Để khơi dậy sự bùng nổ này, các nền kinh tế đang phát triển cần thực hiện các gói chính sách toàn diện để cải thiện khuôn khổ tài chính và tiền tệ, mở rộng thương mại và dòng tài chính xuyên biên giới, cải thiện môi trường đầu tư và tăng cường chất lượng thể chế.

Tuy đây là nhiệm vụ khó khăn, song trước đây, nhiều nền kinh tế đang phát triển đã làm được điều này. Một lần nữa triển khai những chính sách phù hợp như vậy sẽ hỗ trợ giảm thiểu sự chậm lại về tốc độ tăng trưởng tiềm năng trong thời gian còn lại của thập kỷ này.

Đan Lê (Lược dịch từ CNBC)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/the-gioi/wb-kinh-te-toan-cau-sap-trai-qua-nua-thap-ky-tang-truong-thap-nhat-trong-30-nam-136818.html