WB muốn tăng thu hút vốn đầu tư tư nhân cho các nước đang phát triển
WB đã lên kế hoạch tăng cường hành động, để ngăn chặn những rào cản có thể xuất hiện, gây cản trở hoạt động đầu tư của khu vực tư nhân đối với các nền kinh tế đang phát triển.
Trong một động thái nhằm thu hút thêm đầu tư của khu vực tư nhân vào các nước đang phát triển, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Ajay Banga cho biết, bắt đầu từ tuần tới, WB sẽ mở rộng công bố nguồn dữ liệu độc quyền, bao gồm cả dữ liệu về tình trạng vỡ nợ của các nước đang phát triển.
Phát biểu tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc ngày 24/3, ông Banga chia sẻ WB đã huy động được tổng cộng 41 tỷ USD vốn đầu tư tư nhân cho các thị trường mới nổi và huy động thêm 42 tỷ USD khác từ khu vực kinh tế này vào luồng trái phiếu phát hành trong năm ngoái.
Tuy nhiên, bước sang năm 2024, đầu tư của khu vực tư nhân đổ vào các nước đang phát triển có xu hướng đi xuống. Để duy trì và mở rộng hiệu quả huy động vốn, WB đã lên kế hoạch tăng cường hành động, để ngăn chặn những rào cản có thể xuất hiện, gây cản trở hoạt động đầu tư của khu vực tư nhân đối với các nền kinh tế đang phát triển.
Chủ tịch WB lưu ý tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển đã chậm lại, với tốc độ giảm xuống còn khoảng 4-6% trong hai thập kỷ gần đây. Ông nhấn mạnh mỗi điểm phần trăm tăng trưởng bị mất sẽ kéo theo khoảng 100 triệu người lâm vào cảnh nghèo đói, trong khi mức nợ công ngày càng tăng ở các nước đang phát triển.
Hơn nữa, các nước này còn đang phải đối mặt với vấn đề “không thể tưởng tượng được”, khi 1,1 tỷ thanh niên sẽ gia nhập lực lượng lao động trong một thập kỷ tới và dự kiến số lượng việc làm mới được tạo ra chỉ đạt 325 triệu việc làm.
WB đã triệu tập một nhóm nghiên cứu gồm 15 giám đốc điều hành thuộc các công ty quản lý tài sản, các ngân hàng và nhà điều hành, nhằm xác định ra những vấn đề đáng lo ngại và cần phải ưu tiên giải quyết, để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển kêu gọi vốn đầu tư. Đó là sự chắc chắn về quy định, bảo hiểm rủi ro chính trị và rủi ro ngoại hối.
Tháng trước, WB đã công bố những cải cách mới hướng tới việc củng cố cơ cấu bảo đảm khoản vay và đầu tư, đồng thời tăng gấp ba lần số bảo lãnh hàng năm lên 20 tỷ USD vào năm 2030. Ông Banga cho biết, bắt đầu từ tuần tới, WB và một nhóm các tổ chức phát triển sẽ bắt đầu công bố dữ liệu phục hồi của khu vực tư nhân theo mức thu nhập của từng khu vực địa lý, như một bước để truyền cảm hứng cho nhà đầu tư.
Ngoài ra, cơ quan này cũng sẽ công bố dữ liệu vỡ nợ của khu vực tư nhân được chia theo xếp hạng tín dụng, cũng như số liệu thống kê về tỷ lệ phục hồi và vỡ nợ quốc gia từ năm 1985.
Ông nói: “Tất cả các công việc đó góp phần vào một mục tiêu: thu hút thêm vốn của khu vực tư nhân vào các nền kinh tế đang phát triển, để thúc đẩy tác động và tạo việc làm”.
Cựu Giám đốc điều hành tập đoàn Mastercard cho biết WB cũng đang thúc đẩy một nỗ lực “dài hơi” để xây dựng một nền tảng chứng khoán hóa, giúp các quỹ đầu tư hưu trí và các nhà đầu tư tổ chức khác dễ dàng chuyển 7.000 tỷ USD vốn đầu tư của họ đến các thị trường mới nổi.
Theo ông Banga, việc gộp các khoản đầu tư lớn được tiêu chuẩn hóa vào một gói hoàn chỉnh sẽ khuyến khích đầu tư có ý nghĩa trên quy mô lớn, khắc phục tình trạng chắp vá hiện tại của các khoản vay nhỏ, riêng biệt mà mỗi khoản có nguồn tài liệu, rủi ro và giá cả riêng.