WB thông qua gói 12 tỷ USD hỗ trợ điều trị COVID-19
Theo Roi-tơ và TTXVN, ngày 14-10, Ngân hàng Thế giới (WB) thông qua gói tài chính trị giá 12 tỷ USD để hỗ trợ các nước đang phát triển mua và phân phối vắc-xin phòng COVID-19, cũng như tiến hành xét nghiệm và điều trị căn bệnh này. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Theo Roi-tơ và TTXVN, ngày 14-10, Ngân hàng Thế giới (WB) thông qua gói tài chính trị giá 12 tỷ USD để hỗ trợ các nước đang phát triển mua và phân phối vắc-xin phòng COVID-19, cũng như tiến hành xét nghiệm và điều trị căn bệnh này.
Đây là một phần trong nguồn tài chính cứu trợ trị giá 160 tỷ USD mà Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG) đã cam kết cung cấp cho các nước đang phát triển đến tháng 6-2021, nhằm giúp đối phó hiệu quả đại dịch.
Ba Lan cảnh báo phủ quyết ngân sách EU
Ba Lan cảnh báo sẽ sử dụng lá phiếu phủ quyết đối với ngân sách của Liên hiệp châu Âu (EU) và Quỹ phục hồi chống dịch COVID-19.
Kể từ khi lên nắm quyền vào cuối năm 2015, đảng PiS cầm quyền của Ba Lan đã tiến hành nhiều cải cách tư pháp, song Tòa án Công lý châu Âu cho rằng Ba Lan đã vi phạm luật pháp EU, vi phạm tiêu chuẩn dân chủ của khối. Tuy nhiên, Chính phủ Ba Lan khẳng định rằng cải cách tư pháp là cần thiết để chống tham nhũng. Cuộc tranh cãi về “quy định của pháp luật” đã làm ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán kéo dài về ngân sách của EU.
Đức tăng cường các biện pháp nhằm kiểm soát dịch COVID-19
Ngày 15-10, tại Thủ đô Berlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng các bộ trưởng và thủ hiến các bang đã thảo luận và đưa ra các quyết sách ứng phó trước sự lây lan nhanh của đại dịch COVID-19 trong những ngày gần đây.
Theo ghi nhận của PV TTXVN tại Đức, các quy định chặt chẽ hơn đã được Chính phủ quyết định như lệnh giới nghiêm, yêu cầu đeo khẩu trang mở rộng và giới hạn số lượng người tham gia lễ kỷ niệm. Cụ thể, tại các điểm nóng dịch COVID-19 với tỷ lệ lây nhiễm 50 người/100 nghìn dân trong vòng 1 tuần, lệnh giới nghiêm chung sẽ được áp dụng vào lúc 23h đối với ngành kinh doanh ăn uống, các quán bar, nhà hàng và các hộp đêm sẽ phải đóng cửa. Bên cạnh đó, khu vực có giới hạn lây nhiễm mới 35 ca nhiễm/100 nghìn dân trong 1 tuần, yêu cầu đeo khẩu trang cũng sẽ được mở rộng, điều này cũng áp dụng đối với những nơi đông người.
Tuy nhiên, theo đánh giá, cuộc thảo luận trên chưa làm rõ quy định về cái gọi là lệnh cấm lưu trú. Nhiều bang của Đức hiện quy định, du khách đến từ các khu vực có số lượng ca nhiễm cao phải xuất trình kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính nếu họ muốn lưu trú tại khách sạn hoặc nhà khách. Tuy nhiên, họ được phép lưu trú qua đêm tại nhà bạn bè hoặc gia đình. Quy định đã gây ra các cuộc tranh cãi ở nhiều bang, bởi Đức cũng đang trong kỳ nghỉ thu. Hiện người dân được yêu cầu “khẩn cấp” tránh các chuyến đi không cần thiết ra khỏi các khu vực có nguy cơ và đi đến các khu vực trong nước Đức có số lượng nhiễm bệnh cao.
Cũng tại cuộc thảo luận, Thủ tướng Merkel kêu gọi các bang nỗ lực chung trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh. Bà nhấn mạnh rằng “chúng ta phải thực hiện một bước đi táo bạo, hoặc chúng ta sẽ phải gặp nhau tuần này qua tuần khác như hồi đầu năm”. Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Liên bang Horst Seehofer lên tiếng cảnh báo: “Nếu chúng ta không thực hiện bất kỳ thay đổi đáng chú ý nào, thì đợt phong tỏa tiếp theo là không thể tránh khỏi. Chúng ta bị bao quanh bởi các khu vực có nguy cơ cao ở Đức. Nguy cơ tiềm ẩn là rất lớn”.
Pháp lo ngại khả năng Brexit không thỏa thuận
Bộ trưởng Ngoại giao Pháp cho rằng, khả năng Brexit không thỏa thuận giữa Anh và EU đã hiện hữu khi thời gian để hai bên tìm cách đạt thỏa thuận đã hết. Theo Bộ Ngoại giao Pháp, EU không thay đổi lập trường hiện tại về các nội dung thỏa thuận, do đó, trong khoảng thời gian từ ngày 15-10 đến 15-11 tới hai bên cần phải thống nhất được về những điểm còn tồn tại. EU cũng đã chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra, trong đó có kịch bản Brexit không thỏa thuận./.