WB và UNDP cảnh báo về khả năng phục hồi kinh tế tại Mỹ Latin
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Brasilia, Brazil. Ảnh: THX/TTXVN
* Dịch COVID-19: Giới khoa học gấp rút "giải mã" biến thể mới Omicron
Ngày 29/11, Ngân hàng Thế giới (WB) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đưa ra báo cáo, trong đó bày tỏ lo ngại về tình hình hồi phục kinh tế của Mỹ Latin và Caribe sau cuộc khủng hoảng COVID-19, đặc biệt trong các vấn đề việc làm, thu nhập hộ gia đình và an ninh lương thực.
Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, trong báo cáo, các chuyên gia của WB và UNDP cho rằng quá trình hồi phục kinh tế của Mỹ Latin đã được cải thiện đáng kể sau khi nhiều quốc gia trong khu vực nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội.
Tuy nhiên, chỉ có 62% dân số trong độ tuổi lao động tại Mỹ Latin có việc làm vào thời điểm hiện tại, thấp hơn 11% so với thời kỳ trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Trong số các quốc gia Mỹ Latin và Caribe, thị trường lao động tại Colombia, Brazil và Ecuador bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tỉ lệ tham gia lực lượng lao động so với thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 lây lan chỉ tăng ở các nước Guatemala, Nicaragua và El Salvador.
Số lượng lớn người lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập hộ gia đình tại Mỹ Latin. Đến nay, gần một nửa tổng số hộ gia đình vẫn chưa phục hồi được mức thu nhập trước khi đại dịch bùng phát.
Tại Bolivia, Paraguay, Ecuador và Colombia, hơn 60% hộ gia đình "vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi thu nhập so với trước kia", bất chấp những khoản viện trợ khẩn cấp từ chính phủ các nước.
Cùng với đó, số người đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực tại Mỹ Latin đã tăng lên gần gấp đôi trong thời kỳ đại dịch COVID-19 bùng phát, đặc biệt là tại các nước có tỉ lệ bất bình đẳng và nghèo đói cao nhất.
Khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế tại phần lớn các nước Mỹ Latin đã phục hồi ở mức trước đại dịch, tuy nhiên các chuyên gia của WB và UNDP cho rằng cần phải tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng các loại vắc xin ngừa COVID-19 tại khu vực Caribe.
Phó Giám đốc khu vực Mỹ Latin và Caribe của WB, ông Felipe Jaramillo, nhấn mạnh các quốc gia Mỹ Latin cần đẩy mạnh thực hiện các cải cách nhằm thúc đẩy quá trình phục hồi trong thời kỳ hậu COVID-19.
Trong số những cải cách này, ông Jaramillo cho rằng cần phải tập trung vào cải thiện chất lượng giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư tư nhân để tạo thêm việc làm, thúc đẩy năng lượng tái tạo và nâng cao chất lượng sống tại khu vực đô thị.
* Các nhà khoa học hiện đang gấp rút tập trung dữ liệu về biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2, phân tích khả năng lây nhiễm của biến thể và quan trọng nhất là việc liệu các vắc xin ngừa COVID-19 đang được các nước sử dụng hiện nay có hiệu quả trong phòng chống biến thể này hay không.
Những phát hiện ban đầu về biến thể Omicron giống như "một bức tranh hỗn hợp". Trong các cuộc trả lời phỏng vấn, các chuyên gia cho rằng biến thể mới này có khả năng lây lan hơn, có thể tránh được phản ứng miễn dịch của cơ thể (cả ở những người đã tiêm vắc xin và những người nhiễm bệnh tự nhiên) hơn so với các biến thể trước của virus SARS-CoV-2.
Các vắc xin đang sử dụng hiện nay sẽ có thể tiếp tục bảo vệ, không để người mắc COVID-19 trở bệnh nặng hoặc tử vong, dù việc tiêm mũi vắc xin tăng cường sẽ vẫn cần thiết để bảo vệ phần lớn người dân.
Mặc dù vậy, hai hãng sản xuất vắc xin là Pfizer/BioNTech và Moderna đang chuẩn bị điều chỉnh lại công thức bào chế vắc xin để ứng phó với biến thể Omicron nếu các hãng này thấy cần phải làm như vậy.
Nhà sinh học tiến hóa Jesse Bloom của Trung tâm Nghiên cứu ung thư Hutchinson, ở TP Seattle (Mỹ), nói: "Chúng tôi thực sự cần cảnh giác về biến thể mới này và đang chuẩn bị đối phó. Có thể trong ít tuần nữa, chúng tôi sẽ có sự hiểu biết sâu hơn về mức độ lây lan của biến thể này cũng như mức độ cần thiết để thúc đẩy sản xuất vắc xin phòng chống biến thể Omicron".
Các nhà khoa học đã phản ứng nhanh chóng với biến thể Omicron nhanh hơn so với bất kỳ biến thể nào trước đây.
Theo nhà di truyền học Tulio de Oliveira tại Trường Y Nelson R.Mandela ở Durban, chỉ trong vòng 36 giờ đồng hồ sau khi có "dấu hiệu rắc rối" đầu tiên ở Nam Phi vào ngày 23/11, các nhà khoa học đã phân tích mẫu từ 100 bệnh nhân mắc biến thể Omicron, thu thập dữ liệu và lên tiếng cảnh báo thế giới.
Chỉ trong vòng 1 giờ sau lời cảnh báo đầu tiên về biến thể Omicron, các nhà khoa học ở Nam Phi cũng gấp rút tiến hành thử vắc xin ngừa COVID-19 đối với biến thể mới.
Hiện, có hàng chục nhóm các nhà nghiên cứu trên thế giới, trong đó có các nhà nghiên cứu tại các hãng dược Pfizer/BioNTech và Moderna tham gia vào nỗ lực này. Dự kiến, sớm nhất là phải 2 tuần sau mới có kết quả.
Tuy nhiên, các nhà khoa học nhận định, so với các biến thể khác, những đột biến trong biến thể Omicron có thể làm giảm hiệu quả của các vắc xin đang sử dụng hiện nay, nhưng chưa biết ở mức độ nào.
Theo tiến sĩ Bloom, các đột biến của biến thể Omicron có thể gây ra sự suy giảm đáng kể khả năng vô hiệu hóa virus của hệ miễn dịch.
Trong khi đó, tiến sĩ Richarrd Lessels, bác sĩ về bệnh truyền nhiễm tại Đại học KwaZulu-Natal ở Nam Phi cho biết các bác sĩ nước này cho rằng biến thể Omicron có thể "tránh" được phản ứng miễn dịch tự nhiên của cơ thể.
Biến thể Omicron có khoảng 50 đột biến, trong đó có hơn 30 đột biến trong protein gai, phần mà hầu hết các loại vắc xin sử dụng để hướng dẫn hệ miễn dịch chống virus SARS-CoV-2.
Một số đột biến này đã được phát hiện trước đây, một số khác được cho là "kế thừa" khả năng né tránh vắc xin của biến thể Beta, trong khi hầu hết đột biến có khả năng lây lan rất cao như biến thể Delta.
Biến thể Omicron có 26 đột biến chưa từng phát hiện ở protein gai, nhiều hơn so với 10 đột biến như vậy ở biến thể Delta và 6 đột biến ở biến thể Beta. Nhiều đột biến trong số này dường như có thể "gây khó" cho hệ miễn dịch trong việc phát hiện và tấn công biến thể Omicron.