Web lậu như những quái vật Hydra trong làng truyện tranh
Việc nhiều website công khai đăng tải nội dung các bộ truyện tranh nổi tiếng lên mạng không phải điều mới nhưng vẫn là một vấn đề nhức nhối.
Cũng giống nhiều website đăng tải phim lậu, các trang chuyên về truyện tranh lậu đã tồn tại hàng chục năm tại Việt Nam. Các website này giống con quái vật Hydra trong thần thoại Hy Lạp, cứ mỗi lần bị chém mất một đầu thì lại có hai đầu mới mọc ra.
Người xâm phạm bản quyền không khác gì kẻ trộm
Các trang web truyện tranh lậu bị đánh sập liên tục nhưng vẫn ngang nhiên “tái sinh”, tồn tại và đăng tải nội dung truyện tranh bản quyền nhằm mục đích trục lợi.
Trả lời trên VTV24, ông Atsushi Ito - Phụ trách Pháp chế, nhà xuất bản Shueisha, Nhật Bản - nói: “Người xâm phạm bản quyền không khác gì kẻ trộm bởi chính họ đã lấy đi tiền bản quyền của người sáng tạo. Mong muốn thúc đẩy văn hóa phát triển thì không còn cách nào khác là phải hình thành và duy trì thói quen trả tiền bản quyền khi sử dụng các xuất bản phẩm”.
Thực tế, để mang được một bộ truyện tranh chất lượng về thị trường Việt Nam, các nhà xuất bản phải trải qua chuỗi quy trình khá phức tạp: từ việc mua bản quyền, tính toán hình thức phát hành, dịch - biên tập nội dung, thiết kế layout, bìa sách tới kế hoạch quảng cáo truyền thông…
Mô hình quái vật Hydra
Ngược lại, các website truyện tranh lậu, quy trình được cắt giảm đi nhiều, họ mua lậu các bản raw, thường là truyện scan, rồi thuê các nhóm dịch chỉnh sửa, biên tập trước khi đăng tải trên trang. Tất nhiên, các đơn vị tham gia mô hình đều không chi trả bản quyền hay bất cứ chi phí nào liên quan tới thuế.
Họ đăng tải miễn phí, thu hút lượng lớn người đọc bằng số lượng truyện tranh lậu khổng lồ cùng nhiều hệ thống tiện ích trên trang. Đổi lại các đơn vị này thu về lợi nhuận không nhỏ từ việc cho thuê quảng cáo trên không gian số của website. Rất nhiều đơn vị đã thực hiện theo mô hình này để thu lợi bất chính thông qua việc đăng tải lậu truyện tranh bản quyền.
Vấn đề không mới, mô hình thực hiện cũng quen thuộc nhưng làm thế nào để xử lý triệt để lại gặp nhiều khó khăn. Thực tế, rất khó để tìm ra danh tính xác thực của chủ các website trên bởi máy chủ thường được đặt tại nước ngoài.
Ngoài ra như đã đề cập, các website này không khác gì “quái vật Hydra thời công nghệ số”. Hễ cứ đánh sập trang web một lần thì chẳng mất bao lâu sau, một trang web giống hệt lại mọc lên với kho tài nguyên đầy đủ như cũ. Điển hình có thể kể đến trường hợp của trang N**truyen.
Sau nhiều lần bị đánh sập, website chuyên đăng tải truyện tranh lậu này liên tục “tái sinh” dưới những cái tên gần giống: N**truyenN, N**truyenco, N**truyenme… Thậm chí, đơn vị này còn đầu tư mạnh vào fanpage để lôi kéo độc giả, tung ra nhiều chiêu trò để nâng cao khả năng tiếp cận của bạn đọc đối với các ấn phẩm lậu.
Áp lực của các đơn vị xuất bản
Trả lời phỏng vấn Zing, ông Đặng Cao Cường - Trưởng ban Comic, Nhà xuất bản Kim Đồng - đã chia sẻ nhiều suy nghĩ về tình hình bản quyền truyện tranh hiện nay, đặc biệt là trên không gian mạng.
Theo ông Cường, tình hình bản quyền truyện tranh online hiện nay đã có nhiều khởi sắc hơn trước. Nhiều đơn vị chủ động tiến hành mua bản quyền từ nước ngoài về để phát hành. Tuy nhiên, vấn nạn đăng tải nội dung truyện không có bản quyền tràn lan vẫn còn tồn tại song song.
"Gây nhức nhối nhất là hiện tượng các website đọc truyện tranh được xây dựng theo mô hình giống phimmoi, tức là cứ sập lại mọc, sập lại mọc. Điều này gây thiệt hại trực tiếp đến quyền lợi của tác giả, kế đến là của các nhà xuất bản. Bởi vì chất xám và công sức của họ đang bị lan truyền miễn phí", đại diện Nhà xuất bản Kim Đồng nói.
Đồng thời, vấn nạn này cũng sẽ gây khó khăn khi tiến hành mua bản quyền tác phẩm để phát hành tại Việt Nam. Tác giả cũng như các đơn vị nắm giữ bản quyền tại nước ngoài thường lo lắng về việc tác phẩm của họ sẽ không được ủng hộ tối đa hoặc họ không muốn bán cho một thị trường mà bản quyền không được đảm bảo.
Bên cạnh đó, kể cả đối với các bộ truyện mới ra mắt tại nước ngoài, chưa có mặt (về bản quyền) tại Việt Nam thì việc các nhóm dịch tự phát chủ động mua tư liệu (bản raw) về để biên tập và lưu hành cũng là bất hợp pháp. Trên lý thuyết họ không được thực hiện điều này dưới mọi hình thức, trừ phi nhận được sự đồng ý của tác giả hoặc chủ bản quyền.
Cũng theo ông Đặng Cao Cường, để hạn chế và tiến tới giải quyết triệt để vấn nạn này, bên cạnh sự việc lên tiếng hay hợp tác với các cơ quan chức năng, bản thân các đơn vị xuất bản cũng cần có thêm cách thức để giảm tình trạng đọc truyện không bản quyền.
Bước đi đầu tiên có thể thông qua việc đầu tư, nâng cấp về chất lượng truyện, có chiến lược phát hành hợp lý, nghiên cứu những phần quà tặng kèm thật sáng tạo… để độc giả thấy được những lợi ích lớn của việc ủng hộ truyện tranh bản quyền.
“Ngoài ra cũng cần tích cực tuyên truyền, kêu gọi độc giả nâng cao ý thức ủng hộ, tôn trọng quyền tác giả vì một cộng đồng đọc truyện văn minh. Hiện tại, đa phần số đông độc giả cũng đã ý thức cao về việc này nên chỉ cần tiếp tục duy trì thì tương lai việc ủng hộ bản quyền tác phẩm sẽ còn nhiều khởi sắc”, ông Cường nói.