Website nhiều trường học: Có cũng như không
Ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và đào tạo (GDĐT), các trường học của tỉnh đều có website riêng. Tuy nhiên, hiện không nhiều website được sử dụng, khai thác hiệu quả.
Thông tin cũ, nghèo nàn
Truy cập vào website nhiều trường học của tỉnh từ mầm non, tiểu học, THCS đến THPT thấy rất ít hoạt động, nội dung được đăng tải. Website của Trường THPT Phả Lại (TP Chí Linh) thiết kế khá đơn giản, chỉ có một số chuyên mục "Thông báo", "Tin nội bộ", "Tin tức từ sở", "Tin nhà trường". Trong các chuyên mục này cũng có rất ít thông tin và hầu như không có nội dung mới. Ngày 27.10, chúng tôi truy cập vào chuyên mục "Tin nhà trường", thông tin mới nhất được đăng tải là lễ khai giảng năm học 2017 - 2018; ở mục "Tin tức từ sở" chỉ có thông tin về công bố kết quả thi THPT quốc gia năm 2019 và một số nội dung về công bố bổ nhiệm lãnh đạo Sở GDĐT, một số văn bản chỉ đạo từ năm 2018.
Tương tự, ở mục "Tin tức mới" trên website của Trường THCS Lạc Long (Kinh Môn), tin mới nhất được đăng là "Trường Tiểu học, THCS xã Lạc Long tổ chức lễ khai giảng năm học 2017 - 2018 và đón bằng công nhận đạt chuẩn quốc gia". Thông tin tiếp theo là kế hoạch nhiệm vụ chung năm học 2016 - 2017. Vào chuyên mục "Văn bản nhà trường" chỉ có một số đăng từ năm 2011 và 2012.
Đăng nhập website của một số trường mầm non, tiểu học, tình hình cũng tương tự. Ngày 27.10, trên website của Trường Tiểu học Kẻ Sặt (Bình Giang) cũng chỉ đăng tải lịch công tác tuần từ đầu năm học đến nay chứ không có tin bài gì về nhà trường. Mục "Tài nguyên" có một số văn bản của năm 2018 là mới nhất, còn lại đều của năm 2011 và 2012.
Theo Sở GDĐT, đến nay, toàn bộ các trường học của tỉnh đã được lắp đặt đường truyền internet miễn phí, khoảng 85% số đơn vị có đường truyền tốc độ cao. "Hiện chỉ có khoảng 50% số website hoạt động thường xuyên. Hầu hết website chỉ duy trì một số phần mềm quản lý trường học, còn rất ít nơi thực hiện tốt việc đăng tải các văn bản chỉ đạo của ngành, của trường, hoạt động của tổ, nhóm chuyên môn, tin tức, bài viết về gương người tốt, việc tốt của giáo viên, học sinh. Phần lớn website chỉ đăng tin bài, hoạt động khi trường kỷ niệm ngày thành lập, đón danh hiệu của các cấp, các ngành trao tặng hay một số sự kiện lớn trong năm học sau đó lại thôi", ông Vũ Xuân Trường, Phó Trưởng Phòng Chính trị - Tư tưởng, phụ trách công nghệ thông tin của Sở GDĐT nhận xét.
Thiếu quan tâm
Theo nhiều cán bộ quản lý trường học các cấp, website có nhiều tác dụng, ý nghĩa trong việc cập nhật thông tin hoạt động, chỉ đạo của ngành, địa phương. Đây còn là nơi tương tác, học hỏi, chia sẻ chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm dạy học rất tốt đối với giáo viên trong và ngoài nhà trường, là kênh tuyên truyền đến cán bộ, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh...
Website của các trường hoạt động chưa hiệu quả có nhiều nguyên nhân. Hiện nay, trong bối cảnh tinh giản biên chế, thiếu giáo viên nên không có cán bộ, giáo viên chuyên về công nghệ thông tin quản trị mà đều kiêm nhiệm. Do thiếu am hiểu về lĩnh vực này nên khó quản trị, vận hành trơn tru và khắc phục khi có sự cố. Phần lớn trường học chưa quan tâm thành lập bộ phận phụ trách website mà thường giao cho giáo viên dạy tin học, người có hiểu biết về công nghệ thông tin hoặc nhân viên văn thư, kế toán. Những người phụ trách website hầu như không được bồi dưỡng để nâng cao nghiệp vụ, trình độ quản trị, khai thác, sử dụng. Chế độ cho giáo viên, nhân viên phụ trách website không có nên thiếu nhiệt tình, nếu lãnh đạo trường chỉ đạo hoặc không bận việc gì thì làm, còn không lại thôi.
Theo lãnh đạo Trường THPT Kim Thành, việc website của trường hoạt động chưa tốt lý do chính là không có nhân lực. Hiện nay, website chỉ có 1 giáo viên dạy tin học phụ trách, công việc chuyên môn bận rộn nên cũng chưa dành thời gian thỏa đáng cho việc quản trị, đăng tải tin, bài của giáo viên, học sinh cũng như sưu tầm trên các kênh khác.
Ngoài thực hiện những công việc bắt buộc, website của hầu hết trường thiếu sinh động, hấp dẫn vì lãnh đạo nhà trường chưa xây dựng được đội ngũ viết tin, bài, nhất là khai thác tốt tiềm năng dồi dào của đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh. Trong năm học, trường diễn ra rất nhiều hoạt động nhưng ít được đăng tải. Nhiều trường còn chưa chú ý đến việc tuyên truyền để phụ huynh biết đến website của đơn vị.
Thầy giáo Nguyễn Đức Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Gia Khánh (Gia Lộc) chia sẻ: "Để website hoạt động thường xuyên, trường thành lập Ban công nghệ thông tin gồm 7 người và phân công việc cập nhật thông tin cho từng thành viên. Tuy nhiên, do nhiều việc nên đăng tải tin, bài chỉ có mức độ, nhất là chưa khai thác được từ phía giáo viên, học sinh".