WEF: Thị trường lao động xáo trộn, sụt giảm 14 triệu việc làm
Theo khảo sát về việc làm vừa được WEF công bố đầu tháng 5/2023, công nghệ và sự dịch chuyển nền kinh tế toàn cầu sẽ làm sụt giảm 14 triệu việc làm, đồng thời đặt ra yêu cầu phải đào tạo lại kỹ năng lao động để thích nghi.
Thăm dò dựa trên số liệu từ khoảng 800 công ty đang tuyển dụng hơn 11 triệu người lao động, Báo cáo "Triển vọng việc làm 2023" của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) mới công bố cho biết, đến năm 2027, khoảng 69 triệu việc làm sẽ được tạo ra và 83 triệu việc làm bị loại bỏ.
Điều này sẽ dẫn đến sự sụt giảm ròng 14 triệu việc làm, tương đương 2% thị trường lao động hiện nay.
WEF kết luận công nghệ và số hóa là hai động lực tạo việc làm mới cũng như loại bỏ việc làm hiện nay. Theo đó, việc thúc đẩy áp dụng công nghệ tiên tiến và sự gia tăng tốc độ số hóa sẽ gây ra sự xáo trộn đáng kể trên thị trường lao động.
Do đó, báo cáo của WEF nhấn mạnh, sự cấp bách ngày càng tăng đối với cuộc cách mạng đào tạo lại kỹ năng, đồng thời ước tính rằng 44% người lao động cần phải đào tạo lại kỹ năng để đảm bảo việc làm bền vững.
Các công việc bị suy giảm nhanh nhất sẽ là các công việc thư ký và văn thư, chẳng hạn như giao dịch viên ngân hàng và thủ quỹ có thể được tự động hóa, trong khi nhu cầu về các chuyên gia AI (trí tuệ nhân tạo) và chuyên gia an ninh mạng dự kiến sẽ tăng lên đáng kể.
Trong số các ngành, thương mại kỹ thuật số sẽ tạo ra mức tăng trưởng việc làm tuyệt đối lớn nhất, với khoảng 2 triệu việc làm kỹ thuật số mới dự kiến sẽ được tạo ra.
Tuy nhiên WEF cũng lưu ý, điều quan trọng là khi các lĩnh vực công việc phát triển nhanh nhất là chuyên gia trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (ML), chuyên gia phát triển bền vững, nhà phân tích tình báo kinh doanh và chuyên gia bảo mật thông tin, thì các doanh nghiệp được khảo sát kêu gọi ưu tiên cao nhất để giải quyết tình trạng thiếu hụt kỹ năng trong tư duy phân tích và sáng tạo.
Trong khi AI/ML đang dang rộng đôi cánh của mình, thì các nhà tuyển dụng đang ngày càng tìm kiếm những kỹ năng nhận thức mạnh mẽ.
Cùng với đó, các xu hướng vĩ mô như chuyển đổi xanh, tiêu chuẩn ESG và nội địa hóa chuỗi cung ứng là động lực chính của tăng trưởng việc làm, trong khi những thách thức kinh tế như lạm phát cao, tăng trưởng kinh tế chậm lại và thiếu hụt nguồn cung là những mối đe dọa lớn nhất.
“Việc thúc đẩy áp dụng công nghệ và tăng cường số hóa sẽ gây ra sự xáo trộn đáng kể trên thị trường lao động và nói chung sẽ tốt cho việc tạo việc làm. Các nhà tuyển dụng tiềm năng cho rằng lỗ hổng kỹ năng và không có khả năng thu hút nhân tài là những rào cản lớn đối với quá trình chuyển đổi. Cứ 10 người lao động thì có 6 người sẽ cần được đào tạo vào năm 2027, nhưng hiện chỉ có một nửa số người lao động được tiếp cận với các cơ hội đào tạo đầy đủ”, báo cáo chỉ rõ.
Giám đốc điều hành WEF Saadia Zahidi cho rằng, hướng đi rõ ràng để đảm bảo khả năng phục hồi là các chính phủ và doanh nghiệp phải đầu tư vào việc hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang các công việc của tương lai. Thông qua giáo dục, đào tạo lại kỹ năng và hỗ trợ xã hội để có thể đảm bảo các cá nhân là trung tâm của tương lai việc làm.
Trước đó, báo cáo Triển vọng việc làm năm 2020 cũng từng đề cập tới việc 43% doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ chuẩn bị cắt giảm việc làm do tích hợp công nghệ. Các doanh nghiệp cũng dự đoán rằng đến năm 2025, thời gian dành cho các nhiệm vụ hiện tại tại nơi làm việc của con người và máy móc sẽ bằng nhau.