Wefit phá sản, quyền lợi khách hàng ra sao

Các khoản nợ khách hàng được giải quyết sau cùng và mất ít nhất 6 tháng để hoàn thành thủ tục là trường hợp mà khách hàng thường gặp phải khi công ty phá sản.

Weift là mô hình chia sẻ phòng tập gym theo đó khách hàng đóng tiền từ Wefit sẽ được tập tại các phòng tập thuộc hệ thống công ty. Các dịch vụ sẽ phụ thuộc vào mức đóng của khách hàng. Chị Phương Trinh (ngụ quận Phú Nhận TPHCM) đóng phí 12 triệu một năm cho Wefit nhưng giờ khi liên lạc nhận lại tiền thì chỉ nhận được thông báo từ tổng đài là công ty đang làm thủ tục phá sản.

Quyền lợi khách hàng trả sau cùng, mất ít nhất 6 tháng

Luật sư Phạm Văn Sinh, Công ty luật Phạm Anh, Đoàn Luật sư Tp Hồ Chí Minh cho biết về pháp lý khi người dùng thanh toán các khoản phí thường niên nhưng chưa sử dụng thì người dùng được coi là chủ nợ không đảm bảo của Công ty. Theo quy định của luật phá sản, thứ tự ưu tiên thanh toán các khoản nợ là a) Chi phí phá sản; b) các khoản lương trợ cấp, bảo hiểm cho người lao động, c) các khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục vụ kinh doanh và d) cuối cùng là nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ .

“Như vậy, phần tiền trả trước của người dùng được xếp vào thứ tự cuối cùng, được thanh toán khi công ty phá sản.”, ông Sinh nói.

Khách hàng rất khó để tham gia, bảo vệ quyền lợi của mình khi Công ty bị phá sản

Khách hàng rất khó để tham gia, bảo vệ quyền lợi của mình khi Công ty bị phá sản

Về thủ tục giải quyết phá sản thường kéo dài phức tạp thông qua các thủ tục như: Thụ lý hồ sơ yêu cầu phá sản, Chỉ định quản tài viên (Quản lý, thanh lý tài sản), Kiểm kê tài sản của công ty, Lập danh sách chủ nợ, Tổ chức Hội nghị chủ nợ quyết định cho phép phá sản hoặc tiếp tục hoạt động.

Sau khi thực hiện xong thủ tục trên Thẩm phán mới quyết định cho phép công ty phá sản. Thủ tục trên nhanh nhất cũng phải 6 tháng. Như vậy khách hàng rất khó để tham gia, bảo vệ quyền lợi của mình khi Công ty bị phá sản.

Thành viên sáng lập (Founder) có trách nhiệm gì ?

Xét về trách nhiệm người quản lý doanh nghiệp khi doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản, theo điều 5 luật phá sản, Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty (“Người quản lý”) có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán (không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán)

Trường hợp Người quản lý Công ty vi phạm nghĩa vụ trên, thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật cụ thể:

Các trường hợp có thiệt hại phát sinh sau thời điểm doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán do việc không nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản gây ra thì phải bồi thường cho các bên thiệt hại (theo khoản 5 điều 28 luật phá sản).

Ngoài ra khi vi phạm các nghĩa vụ trên, người quản lý doanh nghiệp có thể bị bị Thẩm phán xem xét, quyết định về việc không được quyền thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, làm người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong thời hạn ba năm kể từ ngày Tòa án nhân dân có quyết định tuyên bố phá sản.

Tuy nhiên, Luật phá sản chỉ buộc Người quản lý doanh nghiệp là Chủ tịch Hội đồng quản trị và người đại diện pháp luật công ty phải có nghĩa vụ yêu cầu mở thủ tục phá sản; không yêu cầu Founder (thành viên sáng lập), Cổ đông công ty phải có nghĩa vụ trên.

Quyền lợi của các Founder, nhà đầu tư khi Công ty bị phá sản cũng không được đảm bảo. Sau khi thanh toán đầy đủ các khoản nợ của Công ty, thì phần còn lại mới được hoàn trả cho các cổ đông, nhà đầu tư.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/wefit-pha-san-quyen-loi-khach-hang-ra-sao-d121855.html