White Light Cinéhub: Không gian mới cho phim nghệ thuật, phim độc lập
Không gian có tên White Light Cinéhub, được phía Pháp tài trợ, Thái Lan đồng hành với Việt Nam trao đổi kinh nghiệm làm phim quốc tế, thắng các giải thưởng lớn như Cannes, Oscar...

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Viện Pháp và không gian White Light Cinéhub. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Trên thế giới, điện ảnh độc lập đã được được coi là dòng phim không thể thiếu, giúp phản ánh xã hội theo những góc nhìn phi truyền thống, thách thức khuôn thước của ngành công nghiệp điện ảnh.
Tuy vậy, dòng phim này thường gặp khó do kinh phí thấp, khó tiếp cận dịch vụ và nền tảng hỗ trợ sản xuất, phát hành hơn so với phim thương mại.
Nhằm hỗ trợ người làm phim độc lập ở Việt Nam, không gian điện ảnh White Light Cinéhub ra đời. Đây là sáng kiến liên quốc gia do Viện Pháp và Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam khởi xướng và hỗ trợ, công ty White Light Post của Thái Lan và Tổ hợp sáng tạo Complex 01 (Đống Đa, Hà Nội) Việt Nam phối hợp vận hành, hứa hẹn giúp đỡ người làm phim độc lập khắc phục khó khăn, dễ dàng tiếp cận khán giả thế giới.
Phòng chiếu ưu tiên phim nghệ thuật, phim độc lập
Nằm trên tầng 3 của Complex 01, dự kiến White Light Cinéhub sẽ hoàn thiện thi công và đi vào vận hành trong tháng 9 năm nay. Không gian có hai phòng liền kề, gồm một phòng chiếu DCP theo tiêu chuẩn quốc tế và một phòng lab (phòng nghiên cứu và thực hành), chuyên hậu kỳ phim điện ảnh.
Đây được kỳ vọng là không gian chiếu phim độc lập, giải quyết vấn đề eo hẹp suất chiếu, thường xảy ra với phim độc lập khi ra rạp thương mại.

Một góc White Light Cinéhub trong sự kiện ra mắt không gian ngày 26/5. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Lâu nay nhiều phim độc lập Việt như "Bi, đừng sợ!" (2010), "Đập cánh giữa không trung" (2014), “Ròm” (2020), "Những đứa trẻ trong sương" (2023) hay "Bên trong vỏ kén vàng"(2024) sau khi được bảo chứng bằng giải thưởng quốc tế, đã đến với đông đảo khán giả trong nước thông qua rạp chiếu thương mại.
Phim có doanh thu dù không nhiều, nhưng cho thấy ngày càng có nhiều khán giả quan tâm tới phim nghệ thuật, điện ảnh hàn lâm.
Song để ra được rạp cần có kinh phí thường rất lớn. Chưa kể do mục tiêu sinh lời mà các rạp chỉ ưu tiên 1-2 phim đắt khách nhất mỗi thời điểm (chiếm khoảng 50-60% tổng số suất toàn quốc, hầu hết ở các suất giờ vàng), nên các phim độc lập thường ít có cơ hội tiếp cận khán giả.

Hà Lệ Diễm. (Ảnh: NVCC)
Với kinh phí ít ỏi, ban đầu phim “Những đứa trẻ trong sương” của Hà Lệ Diễm dự kiến chỉ chiếu trong 3 ngày. Trước đó phim về Việt Nam với thành tích lọt top 15 phim tài liệu hay nhất Oscar năm 2023 (vòng rút gọn) và hàng trăm giải thưởng quốc tế lớn nhỏ khác. Cùng với nhiều phản hồi tích cực, phim được tăng thêm 9 ngày chiếu trước khi rời rạp.
Tuy nhiên thời gian này chỉ khoảng 1/4 đến 1/6 "tuổi thọ" thông thường của một phim thương mại (khoảng 2-3 tháng hoặc hơn). Số suất chiếu mỗi ngày trên toàn quốc có khi đếm trên đầu ngón tay, đoàn phim phải tự đăng bài liệt kê ngày giờ chiếu trên Facebook cho khán giả dễ theo dõi.
“Chi phí phát hành rất đắt đỏ, chỉ riêng in DCP [bản chiếu chất lượng cao tại rạp - PV] cũng đã rất nhiều tiền, chưa kể chi phí truyền thông. Không có suất chiếu đẹp, không có khán giả xem, phim rớt rạp rất nhanh. Nếu có một phòng chiếu độc lập, có một số giờ chiếu giờ đẹp và cố định thì sẽ rất tốt,” Hà Lệ Diễm chia sẻ.

Phim "Bên trong vỏ kén vàng."
Đây là chuyện không của riêng “Những đứa trẻ trong sương.” Năm 2024 khi “Bên trong vỏ kén vàng” đoạt giải tại Liên hoan phim Cannes và được đem về chiếu ở rạp Việt, đoàn phim cũng phải cập nhật số suất chiếu từng ngày tại trên fanpage.
Một bộ phận khán giả phản ánh không thể sắp xếp để xem phim tại rạp do “giờ oái oăm.” Còn về kinh phí, đạo diễn Phạm Thiên Ân từng chia sẻ với phóng viên báo VietnamPlus rằng anh nợ tiền tỷ để phát hành.
Nhằm khắc phục khó khăn này, đại diện White Light Cinéhub cho biết khi hoàn thiện sẽ là nơi chiếu miễn phí các tác phẩm độc lập, phim nghệ thuật đáng chú ý. Điểm chiếu phim này còn có thể hỗ trợ các nhà làm phim điều chỉnh về hình ảnh (màu sắc, độ sắc nét…) và âm thanh, để mang đến trải nghiệm đúng ý nhất, giống như cách vận hành tại các rạp chiếu phim độc lập trên thế giới.
Theo đó các phim sẽ được xin phép cơ quan quản lý để nộp duyệt và chiếu theo đúng pháp luật Việt Nam cũng như đảm bảo về vấn đề bản quyền.
Dịch vụ hậu kỳ chuẩn quốc tế
Hậu kỳ là công đoạn quan trọng giúp tác phẩm thành hình, thông qua biên tập dựng phim, thiết kế âm thanh, âm nhạc, hiệu ứng, chỉnh màu... tạo ra diện mạo cuối cùng của bộ phim.
Thông qua các gói tài trợ của các quỹ điện ảnh, phim độc lập thường được cấp dịch vụ hậu kỳ tại một studio trong khu vực, vừa nhằm hỗ trợ gánh nặng tài chính cho dự án, vừa nhằm kích thích sử dụng dịch vụ điện ảnh tại một quốc gia. Nhờ vậy nhiều năm nay, phim độc lập từ Việt Nam trở thành khách hàng quen thuộc của các studio trong khu vực như tại Thái Lan, Singapore...

Từ trái sang: Ông Jeremy Segay - Tùy viên Nghe nhìn khu vực Đông Nam Á; ông Chartchai Ketnust - Giám đốc điều hành White Light Post; bà Eva Nguyễn Bình Chủ tịch Viện Pháp toàn cầu; ông Trần Đắc Phúc - Đồng sáng lập/Giám đốc Complex 01. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Ông Chartchai Ketnust - Giám đốc điều hành White Light Post (Thái Lan) chia sẻ khi công ty ông làm hậu kỳ cho các phim từ Việt Nam, ông để ý phần lớn đều đến từ Hà Nội, do ở Thành phố Hồ Chí Minh đã phát triển mạnh hơn về công nghiệp điện ảnh, có sẵn nhiều studio và dịch vụ hậu kỳ.
White Light Post là phòng lab (phòng nghiên cứu và phát triển) hậu kỳ cho các sản phẩm kỹ thuật số như phim điện ảnh, video ca nhạc, quảng cáo có trụ sở tại Thái Lan. Đơn vị này đã làm color grading (điều chỉnh màu sắc) cho một số phim nổi tiếng như “Call me by your name” (2017), “Memoria” (2021), “Gia tài của ngoại” (2023)... đều là các phim độc lập được nhận đề cử Oscar, thắng giải tại các Liên hoan phim Cannes, Sundance hoặc được hãng lớn sản xuất như Netflix.
Nếu hoạt động hiệu quả, cơ sở Hà Nội của White Light Post sẽ giảm thiểu thời gian và chi phí di chuyển cho các dự án phim. “Hy vọng cơ sở tại Hà Nội có thể phát triển bền vững trong tương lai để đưa tới nhiều hỗ trợ cho cộng đồng điện ảnh độc lập tại đây và ở Việt Nam nói chung,” ông Chartchai chia sẻ.
Chia sẻ sâu hơn về giải pháp kỹ thuật, đại diện White Light Cinéhub, ông Thành Nguyễn chia sẻ trong tương lai, White Light Post sẽ tổ chức các quy trình đào tạo để đưa kinh nghiệm hậu kỳ của quốc tế đến với Việt Nam.
Qua đó, nhân lực phim độc lập tại Hà Nội và Việt Nam (vốn chủ yếu hỗ trợ nhau dựa trên đam mê) sẽ được nâng cao trình độ, đào tạo bài bản và giới thiệu các tiêu chuẩn quốc tế, cũng như trao đổi kinh nghiệm thành công từ phòng lab Thái Lan này.
Đại diện Viện Pháp toàn cầu - Giám đốc Eva Nguyễn Bình cam kết viện sẽ đồng hành cùng sự phát triển của White Light Cinéhub. Phòng chiếu tại đây cũng sẽ mang đến nhiều phim Pháp được chọn lọc để tăng cường trao đổi về điện ảnh giữa hai quốc gia, nối tiếp các hoạt động điện ảnh chiếu phim, giao lưu về phim trước đó.
Ông Trần Đắc Phúc - Giám đốc không gian Complex 01 và đồng sáng lập Cinéhub chia sẻ sẽ hướng đến thúc đẩy trao đổi chuyên môn, hỗ trợ các dự án điện ảnh trẻ. Không chỉ dừng lại ở Việt Nam, ông kỳ vọng sẽ mở rộng kết nối cộng đồng tại Đông Nam Á và châu Âu./.
Sáng kiến White Light Cinéhub thuộc chuỗi "Hoạt động hợp tác văn hóa Pháp-Việt: Các sự kiện đặc biệt" nhân chuyến thăm chính thức của Tổng thống Emmanuel Macron cùng lãnh đạo Bộ Văn hóa Pháp tới Việt Nam vừa qua.
Những hoạt động này không chỉ quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới mà còn mang tinh thần sáng tạo và giao thoa văn hóa, làm sâu sắc thêm mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai dân tộc.