WHO cảnh báo dỡ bỏ giãn cách xã hội có nguy cơ dịch bệnh COVID-19 quay trở lại
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo việc dỡ bỏ những biện pháp hạn chế có thể dẫn đến sự hồi sinh 'chết người' của dịch bệnh COVID-19, bởi hiện nay số người chết vì dịch bệnh COVID-19 đã vượt qua mốc 100.000.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo các nước nên thận trọng về việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế phòng chống sự lây lan đại dịch COVID-19.
Phát biểu trong một cuộc họp báo, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, WHO đang trao đổi với các quốc gia về vấn đề này, bởi việc dỡ bỏ những biện pháp hạn chế có thể dẫn đến sự hồi sinh “chết người” của dịch bệnh.
Người đứng đầu WHO nói: “Vào thời điểm này, một số nước đang lên kế hoạch nới lỏng các quy định về giãn cách xã hội. Tuy nhiên, chúng tôi phải cảnh báo rằng việc dỡ bỏ quá sớm có thể dẫn tới sự bùng phát trở lại của dịch bệnh. Nếu không xử lý hợp lý, quá trình nới lỏng các quy định có thể nguy hiểm như thời điểm dịch bệnh lây lan”.
Theo Tổng giám đốc WHO, quyết định dỡ bỏ các biện pháp hạn chế cần được cân nhắc dựa trên tình hình kiểm soát dịch bệnh, cũng như khả năng ứng phó của lực lượng y tế.
Ông cho rằng cần phải có các biện pháp đề phòng tại những nơi đông người như ở công sở, trường học hay các địa điểm quan trọng. Ngoài ra, người dân cũng cần được nâng cao nhận thức về dịch bệnh trong thời điểm trước khi dỡ bỏ các biện pháp hạn chế.
Cũng tại cuộc họp báo, Tổng giám đốc WHO Tedros ghi nhận những diễn biến về dịch chậm lại ở một số nước châu Âu như Italia, Đức, Tây Ban Nha và Pháp, nhưng đã có một "sự gia tăng đáng báo động" ở các quốc gia khác, bao gồm sự lây nhiễm trong cộng đồng 16 quốc gia châu Phi.
Chuyên gia nổi tiếng về bệnh truyền nhiễm của Mỹ Anthony Fauci cũng đồng ý rằng, thời điểm này không phải là lúc đi ngược lại những hạn chế cách ly. Việc nới lỏng các biện pháp hạn chế có thể khiến dịch bệnh bùng phát trở lại.
Tính tới sáng ngày 11/4 theo giờ Việt Nam, thế giới đã ghi nhận 1.695.710 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó nhiều nhất là tại Mỹ với 500.879 ca nhiễm. Số người tử vong trên toàn thế giới đã vượt mức 100.000 người, trong đó Italia là quốc gia có nhiều người thiệt mạng nhất với 18.849 ca./.
Hải Yến
(Theo The Guardian)