WHO cảnh báo mối nguy có thể giết nhiều người ở Gaza hơn cả bom đạn
Bà Margaret Harris người phát ngôn của Tổ chức Y tế Thế giới – cảnh báo nếu không nhanh chóng khôi phục hệ thống y tế Gaza thì bệnh tật có thể giết nhiều người hơn cả bom đạn trong thời gian tới.
Theo cơ quan quản lý y tế Dải Gaza (Palestine), tính đến ngày 29-11, xung đột giữa Israel và phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas (kiểm soát Dải Gaza, Palestine) đã khiến hơn 15.000 người thiệt mạng. Khoảng 40% trong số này là trẻ em.
Trong cuộc họp báo ngày 28-11, người phát ngôn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) – bà Margaret Harris cảnh báo rằng bệnh tật có thể giết nhiều người ở Gaza hơn cả bom đạn trong thời gian tới nếu hệ thống y tế Gaza không được khôi phục, theo hãng tin Reuters.
“Cuối cùng, chúng ta sẽ chứng kiến số người chết ở Gaza vì bệnh tật cao hơn số người chết vì bom đạn, nếu chúng ta không thể khôi phục lại hệ thống y tế ở khu vực này” – bà Harris nói.
Theo bà Harris, điều kiện hiện tại có thể dẫn đến sự gia tăng nhanh ca mắc các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh tiêu chảy.
"(Người dân ở Dải Gaza) không có thuốc men, không được tiêm chủng, không được tiếp cận nước sạch, vệ sinh và không có thực phẩm. Chúng tôi thấy rất nhiều trường hợp mắc bệnh tiêu chảy ở trẻ sơ sinh" - theo bà Harris.
Bà Harris gọi việc bệnh viện Al-Shifa – bệnh viện lớn nhất Dải Gaza – bị đột kích là một “thảm kịch”, đồng thời lo ngại việc nhiều nhân viên y tế của bệnh viện này bị bắt giữ.
Phát biểu trong cuộc họp báo, ông James Elder – người phát ngôn của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) – cho biết các bệnh viện ở Gaza chứa đầy trẻ em bị thương do bom đạn và các trẻ em bị viêm dạ dày do uống nước bẩn.
“Tôi đã gặp rất nhiều bậc cha mẹ. Họ biết chính xác con mình cần gì. Họ không được tiếp cận nước sạch và điều đó đang khiến họ tê liệt” – ông Elder nói.