WHO cảnh báo số ca mắc bệnh sởi trên toàn cầu tăng mạnh
Tính từ đầu năm tới nay, trên thế giới đã ghi nhận 364.808 ca mắc sởi, trong khi con số này trong cùng giai đoạn năm ngoái là 129,239 ca, đáng lo ngại là con số thực tế có thể lớn hơn gấp 10 lần.
Ngày 13/8, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo các ca mắc sởi trên phạm vi toàn cầu trong 7 tháng đầu năm nay đã tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái trong bối cảnh gia tăng những quan ngại về các phong trào cổ xúy tẩy chay vắcxin.
Theo số liệu của WHO, tính từ đầu năm tới nay, trên thế giới đã ghi nhận 364.808 ca mắc sởi, trong khi con số này trong cùng giai đoạn năm ngoái là 129,239 ca.
Phát biểu trước báo giới tại Geneva (Thụy Sĩ), người phát ngôn WHO Christian Lindmeier nhấn mạnh đây là con số cao nhất được ghi nhận từ năm 2006.
Điều này đặc biệt đáng lo ngại khi mới chỉ có khoảng 1 trong số 10 trường hợp mắc sởi thực tế được ghi nhận trên thế giới.
Cộng hòa dân chủ Congo, Madagascar và Ukraine là những quốc gia ghi nhận số bệnh nhân mắc sởi cao nhất.
Dù vậy, riêng tại Madagascar, với 127.500 ca mắc sởi được ghi nhận trong nửa đầu năm nay, số trường hợp nhiễm bệnh đã giảm đáng kể trong những tháng gần đây sau khi nước này phát động chiến dịch tiêm vắcxin quốc gia.
Trong 7 tháng đầu năm, số ca mắc sởi tại khu vực châu Phi đã "nhảy vọt" 900% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi tại Tây Thái Bình Dương tăng tới 230%.
Các nước gồm Angola, Cameroon, Chad, Kazakhstan, Nigeria, Philippines, Sudan, Nam Sudan và Thái Lan đều ghi nhận sự bùng phát ca mắc sởi.
Trong khi đó, từ đầu năm tới nay, Mỹ ghi nhận 1.164 ca nhiễm, tăng hơn gấp 3 lần so với cả năm 2018 và là con số cao nhất trong 25 năm trở lại đây.
Tại châu Âu, gần 90.000 trường hợp mắc sởi đã được ghi nhận trong năm nay, tăng hơn 5.500 ca so với năm ngoái.
Là căn bệnh lây truyền cao qua, bệnh sởi hoàn toàn có thể phòng ngừa với 2 mũi tiêm vắcxin.
Căn bệnh này đã chính thức bị xóa sổ tại nhiều quốc gia có hệ thống chăm sóc y tế phát triển. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, WHO cảnh báo về tỷ lệ tiêm vắcxin sởi sụt giảm đến mức đáng báo động.
Theo WHO, các lý do mà người dân không tiêm vắcxin rất khác nhau giữa các cộng đồng và các quốc gia, trong đó việc thiếu khả năng tiếp cận các dịch vụ tiêm vắcxin và chăm sóc y tế chất lượng đã khiến một số người không được tiêm chủng.
Ngoài ra, phong trào tẩy chay vắcxin với các luận điệu "vắcxin phòng ngừa sởi, quai bị và rubella (có tên MMR) có thể gây bệnh tự kỷ ở trẻ nhỏ" là một nguyên nhân kéo lùi nỗ lực của thế giới trong việc chống lại căn bệnh nguy hiểm này.
WHO coi đây là mối đe dọa đối với sức khỏe toàn cầu, đồng thời khẳng định vắcxin sởi là "một loại vắcxin an toàn và hiệu quả cao"./.