WHO cảnh báo tình trạng thiếu trầm trọng thiết bị bảo hộ y tế

Nhân viên y tế Ý làm việc tại bệnh viện ở Rome trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở nước này, ngày 25/3/2020 - Nguồn: THX/TTXVN

* Gần 595.000 người nhiễm bệnh trên toàn cầu

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 27/3 cảnh báo việc thiếu trầm trọng các thiết bị bảo hộ dành cho nhân viên y tế đang phải chống chọi với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 là một trong những mối đe dọa cấp thiết nhất đối với công cuộc đấu tranh cứu người này.

Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến ở Geneva, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã nhấn mạnh sự thiếu hụt trên ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng lực chung của chúng ta trong việc cứu người. Ông cho biết WHO đã vận chuyển gần 2 triệu thiết bị bảo hộ cá nhân tới 74 quốc gia và đang chuẩn bị gửi số lượng tương đương tới 60 quốc gia nữa. Ông khẳng định: "Vấn đề này chỉ có thể được giải quyết nhờ sự hợp tác và đoàn kết của quốc tế”.

Bên cạnh đó, ông Ghebreyesus cho biết ông đã kêu gọi các quốc gia thành viên nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi lớn nhất thế giới (G20) tận dụng "sức mạnh và sự tiên tiến trong công nghiệp" của mình để sản xuất và đóng góp những công cụ cần thiết nhằm cứu thêm nhiều sinh mạng.

Ông cho rằng "chúng ta phải cam kết với các thế hệ tương lai là tình trạng này 'không bao giờ tái diễn”. Ông nhắc nhở: "Chúng ta mới chỉ ở bước khởi đầu của cuộc chiến (chống COVID-19). Chúng ta cần bình tình, đoàn kết và hợp tác với nhau".

Theo worldometers.info, tính tới 7 giờ 45 ngày 28/3 (giờ Việt Nam), trên thế giới hiện có 594.377 trường hợp nhiễm COVID-19 và 27.250 ca tử vong. Số bệnh nhân phục hồi là 133.006 người. Cụ thể, Mỹ đã thay thế Ý ở châu Âu trở thành “điểm nóng” dịch bệnh của thế giới khi ghi nhận hơn 102.464 ca virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, cao nhất thế giới. Thứ hai là Ý với 86.498 ca nhiễm, tiếp đến là Trung Quốc với 81.394 ca nhiễm.

Về số ca tử vong, Ý đứng đầu danh sách với 9.134 bệnh nhân tử vong (tăng 919 người trong 24 giờ qua), tiếp đến là Tây Ban Nha (5.138 ca - tăng 773 ca), Trung Quốc (3.295 ca - tăng 3 ca), Iran (2.378 ca - tăng 144 ca). Tuy đứng đầu về số ca nhiễm mới, Mỹ hiện ghi nhận 1.607 trường hợp tử vong, tăng 312 ca. Dịch bệnh cũng diễn biến phức tạp tại nhiều nước khác. Tây Ban Nha thông báo tổng số ca nhiễm 65.719, tăng 7.933 ca và số tử vong là 5.138 (tăng 773 người).

Cùng ngày, lực lượng công binh của Lục quân Mỹ thông báo đang cân nhắc khả năng chuyển đổi khoảng 100 cơ sở tại nước này thành các bệnh viện dã chiến để hỗ trợ cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19. Phát biểu trước phóng viên tại Lầu Năm Góc, trung tướng Todd Semonite cho biết: “Chúng tôi đang cân nhắc khoảng 114 cơ sở khác nhau tại 50 bang. Tới nay, quá trình đánh giá đã triển khai xong ở 81 cơ sở”.

Cũng theo trung tướng Todd Semonite, trung tâm Javits tại TP New York đã sẵn sàng trở thành bệnh viện dã chiến với 2.910 giường bệnh vào ngày 30/3 tới. Ngoài ra, quân đội Mỹ cũng đang mở rộng thêm các cơ sở với 3.000 giường bệnh tại trung tâm hội nghị McCormick tại TP Chicago.

Trong diễn biến khác có liên quan, Thị trưởng TP Los Angeles, ông Eric Garcetti, đã bày tỏ lo ngại số ca nhiễm tại thành phố này có thể nhiều như thành phố New York trong 5 ngày tới. Phát biểu trong cuộc họp báo cùng với Thống đốc bang Gavin Newsom, Thị trưởng Garcetti cho biết số ca nhiễm mới tại Los Angeles đã tăng 50% trong ngày 26/3 và 20% tính tới chiều 27/3. Nếu tiếp tục tăng với đà này, Los Angeles sẽ sớm đạt tới mốc của New York.

Cùng ngày 27/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký dự luật kích thích kinh tế trị giá 2.000 tỉ nhằm đối phó với những tác động do đại dịch COVID-19 gây ra sau khi văn kiện này được Hạ viện Mỹ thông qua cùng ngày.

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, dự luật với tên gọi “Đạo luật hỗ trợ, cứu trợ chống dịch COVID-19 và bảo đảm an ninh kinh tế" là gói hỗ trợ khẩn cấp lớn nhất trong lịch sử của Mỹ nhằm hỗ trợ người dân Mỹ, các doanh nghiệp nhỏ và các ngành công nghiệp đang phải vật lộn với sự gián đoạn kinh tế do dịch COVID-19 gây ra.

Luật này bao gồm các khoản hỗ trợ tiền mặt cho hầu hết những người dân Mỹ, trợ cấp thất nghiệp và trợ cấp thực phẩm, các khoản vay cho các doanh nghiệp nhỏ, các quỹ hỗ trợ cho các bệnh viện bị quá tải và những ngành chịu ảnh hưởng lớn.

Cũng theo luật mới, những cá nhân, công dân Mỹ có thu nhập dưới 75.000 USD/năm hoặc những người không có thu nhập hoặc thu nhập từ các chương trình phúc lợi không đánh thuế, sẽ nhận được séc chi trả một lần trị giá 1.200 USD, một cặp vợ chồng được hỗ trợ 2.400 USD, mỗi trẻ em dưới 17 tuổi nhận 500 USD. Dự kiến tiền sẽ được chuyển trước ngày 6/4 tới.

Trong khi đó, tính tới rạng sáng 28/3 (giờ Việt Nam), Tổng cục Y tế Pháp xác nhận 1.995 người chết kể từ khi dịch bùng phát và số bệnh nhân nhiễm virus được xét nghiệm lên đến 32.964 người. Trong số 15.732 bệnh nhân phải nhập viện, 3.787 người đang trong tình trạng nghiêm trọng. Khoảng 30% bệnh nhân nhập viện dưới 60 tuổi, 42 người dưới 30 tuổi. Ngoài ra, 85% trường hợp tử vong là trên 70 tuổi. Số bệnh nhân được chữa khỏi và ra viện là 5.700.

Tổng số ca tử vong tại Anh đã lên đến 759 người, với 14.543 ca được xác định dương tính với virus gây bệnh. Khoảng 6.200 bệnh nhân đang được điều trị trong các bệnh viện tại Vương quốc Anh. Thủ tướng Anh Boris Johnson và Bộ trưởng Y tế Mark Hancock đã thông báo kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 nhưng với triệu chứng nhẹ và tự cách ly tại nhà.

Canada cũng ghi nhận hơn 4.000 ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó 6% phải nhập viện điều trị và 1% (39 người) tử vong.

Chile thông báo thêm 304 ca dương tính với SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua, nâng tổng số trường hợp nhiễm bệnh lên 1.610 người. Đây là số ca nhiễm bệnh mới cao nhất trong một ngày kể từ khi Chile công bố ca dương tính với SARS-CoV-2 đầu tiên hôm 3/3.

Tại châu Á, Trung Quốc đại lục ghi nhận 54 ca nhiễm SARS-CoV-2 từ nước ngoài, nâng tổng số ca nhiễm từ nước ngoài lên thành 649 ca. Trong khi đó, báo cáo cập nhật sáng 28/3 của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc thông báo không có ca lây nhiễm COVID-19 nội địa nào được ghi nhận tại Trung Quốc đại lục trong ngày 27/3.

Tính đến hết ngày 27/3, có tổng cộng 81.294 trường hợp mắc COVID-19 được ghi nhận tại Trung Quốc đại lục và 3.295 người đã tử vong do căn bệnh này.

Trung Đông tiếp tục phát hiện thêm nhiều ca nhiễm SARS-CoV-2. Iran ghi nhận tổng cộng 32.332 ca nhiễm bệnh (tăng 2.926 ca) và 2.378 trường hợp tử vong.

Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đã có thêm 17 trường hợp tử vong do COVID-19, qua đó nâng tổng số người tử vong do căn bệnh lên thành 92 trường hợp. Ngoài ra, tổng số ca nhiễm mới hiện đã lên tới 5.698 trường hợp.

Bộ Y tế Iraq cùng ngày 27/3 xác nhận thêm 4 trường hợp tử vong do COVID-19 và có thêm 76 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở quốc gia Trung Đông này lên thành 458 người.

Bộ Y tế Oman ngày 27/3 cho biết nước này đã ghi nhận thêm 22 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên tới 131 trường hợp. Ngoài ra, hiện có 23 bệnh nhân mắc COVID-19 đã khỏi bệnh và ra viện.

Tại Qatar, hiện đã có 549 người mắc COVID-19, trong đó có 12 ca nhiễm mới và 43 trường hợp đã khỏi bệnh. Ai Cập thông báo đã có thêm 6 trường hợp tử vong do COVID-19 và 41 ca nhiễm mới. Như vậy, tính đến nay tổng số người mắc COVID-19 ở Ai Cập là 536 trường hợp, trong đó có 30 người tử vong.

Ngoài ra, hiện 39/47 quốc gia châu Phi là thành viên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang bị COVID-19 tấn công trong khi một tháng trước đó chỉ có một quốc gia bị ảnh hưởng. Dịch bệnh diễn biến theo hướng nghiêm trọng khi trong những ngày gần đây, châu Phi ghi nhận 300 trường hợp nhiễm mới mỗi ngày.

Theo thống kê của hãng tin AFP, tổng số ca mắc COVID-19 trên khắp châu Phi trong tuần qua đã lên tới gần 3.500 người và 94 trường hợp tử vong.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/236831/who-canh-bao-tinh-trang-thieu-tram-trong-thiet-bi-bao-ho-y-te.html