WHO cảnh báo về bệnh truyền nhiễm gây tử vong nhiều nhất thế giới

Theo báo cáo mới của Tổ chức Y tế Thế giới, số người bị nhiễm bệnh lao, gồm cả loại kháng thuốc, lần đầu tiên tăng trên toàn cầu sau nhiều năm.

WHO cho biết hơn 10 triệu người trên thế giới bị bệnh lao vào năm 2021, tăng 4,5% so với năm trước. Khoảng 1,6 triệu người đã qua đời. Theo WHO, khoảng 450.000 trường hợp liên quan đến người nhiễm lao kháng thuốc, tăng hơn 3% so với năm 2020.

Tiến sĩ Mel Spigelman, Chủ tịch của Liên minh Bệnh lao, cho biết hơn một thập kỷ tiến bộ trong điều trị lao đã bị mất đi khi Covid-19 xuất hiện vào năm 2020, AP dẫn lời.

Vị chuyên gia này nói: “Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực như vaccine phòng ngừa, chúng ta vẫn đi sau về mọi cam kết và mục tiêu liên quan đến bệnh lao".

 Noor Alam (20 tuổi) bị bệnh lao khi còn rất trẻ. Ảnh chụp năm 2017, khi anh được điều trị tại Viện Bệnh Lồng ngực và Bệnh viện Quốc gia, Dhaka, Bangladesh. Ảnh: Probal Rashid/LightRocket.

Noor Alam (20 tuổi) bị bệnh lao khi còn rất trẻ. Ảnh chụp năm 2017, khi anh được điều trị tại Viện Bệnh Lồng ngực và Bệnh viện Quốc gia, Dhaka, Bangladesh. Ảnh: Probal Rashid/LightRocket.

WHO cũng cho rằng Covid-19 là nguyên nhân dẫn đến phần lớn sự gia tăng bệnh lao. Cơ quan y tế thế giới nhận định đại dịch này “tiếp tục có tác động nghiêm trọng đến việc tiếp cận với chẩn đoán và điều trị bệnh lao”. Tiến độ đạt được trước năm 2019 đã “chậm lại, đình trệ hoặc bị đảo ngược”.

Số người được chẩn đoán bệnh lao ngày càng ít, nhưng ngày càng nhiều người bệnh vô tình lây cho người khác mà không biết. Nhiều người ở những nước có hệ thống y tế yếu kém cũng chưa được phát hiện.

WHO báo cáo số người mới được chẩn đoán mắc bệnh lao đã giảm từ 7 triệu người năm 2019 xuống còn 5,8 triệu người vào năm 2020.

Hạn chế của Covid-19 như giãn cách xã hội đã cản trở dịch vụ điều trị lao, khiến một số người không đi khám vì sợ nhiễm nCoV. Ngoài ra, sự suy thoái của nền kinh tế toàn cầu cũng là một yếu tố. Khoảng 50% bệnh nhân lao và gia đình phải đối mặt với chi phí khổng lồ nhưng tài chính lại cạn kiệt khi điều trị. WHO kêu gọi nhiều quốc gia chi trả tất cả chi phí chẩn đoán và điều trị bệnh lao.

Sau Covid-19, lao là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất trên thế giới. Đây là bệnh do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra, thường ảnh hưởng đến phổi. Vi trùng chủ yếu lây lan từ người này sang người khác trong không khí, như khi một người bị nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi.

Lao chủ yếu ảnh hưởng đến người lớn, đặc biệt là những người bị suy dinh dưỡng hoặc mắc các bệnh khác như HIV; hơn 95% trường hợp là ở các nước đang phát triển.

Theo báo cáo của WHO, cứ 3 người thì có một người bị lao kháng thuốc đang được điều trị.

Tiến sĩ Hannah Spencer, chuyên gia tại Nam Phi, cho biết: “Lao kháng thuốc có thể chữa được, nhưng đáng báo động là sau nhiều năm, lần đầu tiên các ca bệnh này gia tăng. Điều cấp bách là hiện nay các phương pháp điều trị ngắn hơn, an toàn hơn và hiệu quả hơn đang được mở rộng". Bà Spencer kêu gọi các nước giảm giá liệu trình điều trị lao để trọn gói không quá 500 USD.

WHO cũng cho biết các cuộc xung đột đang diễn ra ở Đông Âu, châu Phi và Trung Đông khiến bệnh nhân khó được chẩn đoán, điều trị bệnh lao. Các chuyên gia y tế lo ngại việc bệnh nhân không được điều trị có thể thúc đẩy sự gia tăng số ca lao kháng thuốc trong khu vực.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/who-canh-bao-ve-benh-truyen-nhiem-gay-tu-vong-nhieu-nhat-the-gioi-post1369704.html