WHO cảnh báo về phân phối vắc-xin thiếu công bằng
Theo TTXVN và tin nước ngoài, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bày tỏ lo ngại về tình trạng bất bình đẳng trong phân phối vắc-xin ngừa Covid-19. Tổng Giám đốc WHO T.Ghê-brây-ê-xút cảnh báo, việc các nước giàu tìm cách mua lượng lớn vắc-xin khiến chỉ còn rất ít mặt hàng này đến được các nước nghèo. WHO cho biết sẽ nỗ lực chuyển giao đủ số lượng vắc-xin như cam kết theo cơ chế COVAX, để tiêm cho khoảng 3% dân số của các nước có thu nhập thấp trong nửa đầu năm nay.
Theo TTXVN và tin nước ngoài, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bày tỏ lo ngại về tình trạng bất bình đẳng trong phân phối vắc-xin ngừa Covid-19. Tổng Giám đốc WHO T.Ghê-brây-ê-xút cảnh báo, việc các nước giàu tìm cách mua lượng lớn vắc-xin khiến chỉ còn rất ít mặt hàng này đến được các nước nghèo. WHO cho biết sẽ nỗ lực chuyển giao đủ số lượng vắc-xin như cam kết theo cơ chế COVAX, để tiêm cho khoảng 3% dân số của các nước có thu nhập thấp trong nửa đầu năm nay.
Cảnh báo của WHO được đưa ra sau khi Ủy ban châu Âu (EC) công bố đề xuất mới nhằm giám sát và có thể cấm xuất khẩu vắc-xin. Theo đó, các nhà máy đặt tại các nước Liên hiệp châu Âu (EU) phải xin cấp phép xuất khẩu vắc-xin ra ngoài khối trước ba tháng. Biện pháp này của EC cũng vấp phải sự phản đối của Anh.
Hàn Quốc cũng bày tỏ quan ngại về “chủ nghĩa dân tộc vắc-xin”. Tại hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Cang Kiêng Hoa kêu gọi nỗ lực quốc tế nhằm bảo đảm công bằng và bình đẳng trong nguồn cung vắc-xin và các phương pháp điều trị bệnh nhân Covid-19. Hàn Quốc khẳng định ủng hộ cơ chế COVAX do WHO dẫn dắt.
Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) A.Gu-tê-rét hoan nghênh Ấn Ðộ cấp vắc-xin cho nhiều nước, góp phần quan trọng thúc đẩy mục tiêu tiêm chủng toàn cầu. Tổng thống Mê-hi-cô cho biết, tháng 2 tới, nước này nhập khẩu 870 nghìn liều vắc-xin sản xuất tại Ấn Ðộ. Bô-li-vi-a cũng đặt mua 5 triệu liều vắc-xin do Viện Serum Ấn Ðộ sản xuất.
Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF) thông báo, Ghi-nê trở thành nước châu Phi thứ hai, sau An-giê-ri, cấp phép cho vắc-xin Sputnik V của Nga. Khoảng 20.000 liều vắc-xin của Nga đã được chuyển giao cho Bô-li-vi-a. Xéc-bi-a cũng nhận thêm 40.000 liều vắc-xin Sputnik V. Nga và I-ran ký thỏa thuận về chuyển giao vắc-xin, dự kiến lô Sputnik V đầu tiên tuần tới sẽ đến I-ran.
Bộ Y tế Cô-oét ngày 29-1 cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc-xin do hãng AstraZeneca (Thụy Ðiển) và Ðại học Oxford (Anh) phối hợp phát triển. Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cũng cho phép sử dụng loại vắc-xin này. Trước đó, Liên minh châu Phi (AU) đạt thỏa thuận mua thêm 400 triệu liều vắc-xin của AstraZeneca...
Do kế hoạch phân phối vắc-xin không đúng tiến độ, Ru-ma-ni buộc phải hoãn kế hoạch tiêm chủng cho gần 67.000 người trong nửa tháng. Trong khi đó Pháp tuyên bố từ hôm nay 31-1 sẽ đóng cửa gần như hoàn toàn với các nước ngoài EU. Séc quyết định cấm nhập cảnh vì mục đích không thiết yếu kể từ ngày 30-1...
Xin-ga-po thông báo tạm ngừng thực thi thỏa thuận đi lại tương hỗ với Ðức, Ma-lai-xi-a và Hàn Quốc, trong ba tháng, kể từ ngày 1-2 tới. Thỏa thuận về “làn xanh” được Xin-ga-po với các nước nhằm tạo điều kiện khôi phục ngành du lịch.