WHO công bố báo cáo mới về bệnh đậu mùa khỉ

Theo báo cáo của WHO, số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ là gần 1.500 người trên toàn cầu, tính cả châu Phi. Tổ chức này đánh giá nguy cơ của dịch là trung bình, tương tự viêm gan bí ẩn.

Virus gây bệnh đậu mùa khỉ vốn khó lây và hiếm gặp. Tuy nhiên, từ tháng 5, Vương Quốc Anh và hàng loạt quốc gia châu Âu phát hiện ca mắc mới, trở thành làn sóng bùng phát trên toàn cầu. Ngày 29/5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố báo cáo đầu tiên về làn sóng lây nhiễm này.

Gần 1.500 ca mắc trên toàn cầu, tính cả châu Phi

Theo CNN, tính đến ngày 29/5, Tổ chức Y tế Thế giới đã nhận được báo cáo của 257 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ và khoảng 120 trường hợp nghi ngờ tại 23 quốc gia ngoài châu Phi. Tại Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) ghi nhận 12 ca mắc ở 8 tiểu bang.

Ở 5 quốc gia châu Phi - nơi bệnh đậu mùa khỉ thường được phát hiện - WHO cho biết họ đã nhận được báo cáo về 1.365 ca mắc, 69 trường hợp tử vong. Những ca bệnh này được báo cáo trong nhiều giai đoạn khác nhau từ giữa tháng 12/2021 đến cuối tháng 5.

Không ca nào tử vong ở những quốc gia bệnh đậu mùa khỉ không phải đặc hữu. “Từ năm 2017, số người chết vì bệnh đậu mùa khỉ ở Tây Phi có liên quan người trẻ tuổi hoặc nhiễm HIV không được điều trị", báo cáo của WHO viết.

Cơ quan này nhận định mức độ rủi ro sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu là vừa phải. “Bởi đây là lần đầu tiên các trường hợp và cụm dịch được báo cáo đồng thời ở các khu vực địa lý rộng rãi khác nhau, không có mối liên hệ dịch tễ học với những nước Tây hoặc Trung Phi”, WHO giải thích.

 Hình ảnh kính hiển vi điện tử thu được từ một mẫu da người liên quan đợt bùng phát dịch đậu mùa khỉ vào năm 2003 tại Mỹ. Ảnh: CDC.

Hình ảnh kính hiển vi điện tử thu được từ một mẫu da người liên quan đợt bùng phát dịch đậu mùa khỉ vào năm 2003 tại Mỹ. Ảnh: CDC.

Trong bản báo cáo mới, tổ chức này cũng cho biết: "Nguy cơ sức khỏe cộng đồng có thể cao hơn nếu loại virus này lợi dụng cơ hội để tiến hóa thành mầm bệnh lây từ người sang người và lây sang các nhóm có nguy cơ cao như trẻ nhỏ, trường hợp bị ức chế miễn dịch”.

WHO kêu gọi các nhà dịch vụ chăm sóc sức khỏe theo dõi chặt chẽ những triệu chứng có thể xảy ra như phát ban, sốt, sưng hạch bạch huyết, đau đầu, đau lưng, đau cơ và mệt mỏi, đồng thời xét nghiệm với bất kỳ ai có triệu chứng.

Hầu hết trường hợp ban đầu của đợt bùng phát là nam giới quan hệ tình dục đồng giới, nên WHO nhấn mạnh tránh kỳ thị những người bị ảnh hưởng và cộng đồng của họ. Các nhà khoa học cũng đang giải trình tự gene của những mẫu virus từ bệnh nhân trong đợt bùng phát này để tìm hiểu nguồn gốc. Dữ liệu sơ bộ xác nhận bộ gene thuộc chủng virus đậu mùa khỉ ở Tây Phi.

Mầm bệnh có thể xuất hiện tại Anh cách đây nhiều năm

Theo Guardian, các quan chức y tế Anh cho biết virus đậu mùa khỉ có thể lây lan ở mức độ thấp tại quốc gia này trong nhiều năm và chỉ có thể phát hiện vào tháng 4. Hiện tại, Cơ quan An ninh Y tế Vương Quốc Anh (UKHSA) ghi nhận 106 ca mắc đậu mùa khỉ.

Các quan chức y tế Anh gợi ý giả thuyết bệnh đậu mùa khỉ đã lây truyền cục bộ từ 2-3 năm tại nước này. Ví dụ, 4 ca mắc đậu mùa khỉ được báo cáo ở Anh từ năm 2018 đến 2019, bệnh nhân là những người đã đi du lịch đến Nigeria. Ba trường hợp khác cũng từ chuyến du lịch tương tự và được xác nhận vào năm 2021.

Tiến sĩ David Heymann, nhà dịch tễ học về bệnh truyền nhiễm và cố vấn của WHO, nói với Guardian: “Theo giả thuyết, sự lây truyền virus đã khuếch đại mức độ lây truyền thấp khi tình cờ chúng xâm nhập vào quần thể có nguy cơ lây nhiễm cao”. Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh cần thêm nhiều nghiên cứu để xác nhận giả thuyết này.

 Đặc trưng của người mắc bệnh đậu mùa khỉ là các vết phát ban mưng mủ ở tay hoặc bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể. Ảnh: Reuters.

Đặc trưng của người mắc bệnh đậu mùa khỉ là các vết phát ban mưng mủ ở tay hoặc bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể. Ảnh: Reuters.

Tiến sĩ Marc Van Ranst, nhà virus học tại Đại học Leuven ở Bỉ, trả lời phỏng vấn của Guardian: “Nhiễm trùng mạn tính không phải là kịch bản hợp lý trong trường hợp này. Điều đó có nghĩa một chuỗi sự kiện lây truyền mà dường như chúng ta không chú ý đã khiến virus bùng nổ thành đợt lây nhiễm”.

Ngày 24/5, nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet Infectious Diseases phát hiện virus gây bệnh đậu mùa khỉ có thể tồn tại trong cơ thể tới 10 tuần, ngay cả khi vết phát ban biến mất. Khi nhận được kết quả này, một số chuyên gia không tin người bệnh có thể lây nhiễm trong thời gian dài như vậy. Họ cho rằng đây là “câu hỏi lớn chưa có lời giải”. Ca bệnh này được phát hiện từ phân tích 7 trường hợp mắc trước đó ở Vương Quốc Anh. Họ đã mắc bệnh và khỏi trong thời gian năm 2018-2021.

Ca bệnh này rất được chú ý bởi đây là trường hợp duy nhất trong nghiên cứu tái phát bệnh. Các bệnh nhân còn lại có kết quả dương tính với bệnh đậu khỉ trong vòng 4 tuần sau khi vết phát ban của họ biến mất. Không có bệnh nhân nào khác bị tái nhiễm.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/who-cong-bo-bao-cao-moi-ve-benh-dau-mua-khi-post1321850.html