WHO kêu gọi bảo đảm phân phối vắc-xin công bằng
Theo Roi-tơ và TTXVN, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hối thúc các nhà sản xuất vắc-xin ngừa Covid-19 giữ cam kết về việc phân bổ vắc-xin công bằng, trong bối cảnh các nước nghèo nhất thế giới đang đợi những liều thuốc đầu tiên. WHO cho rằng, các thỏa thuận mua bán vắc-xin đơn lẻ sẽ làm xói mòn nỗ lực phân phối vắc-xin công bằng trên thế giới; nhấn mạnh, thay vì phân phối một cách đơn lẻ, các quốc gia sản xuất vắc-xin ngừa Covid-19 nên tài trợ vắc-xin cho các nước khác thông qua Cơ chế tiếp cận vắc-xin toàn cầu COVAX.
Theo Roi-tơ và TTXVN, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hối thúc các nhà sản xuất vắc-xin ngừa Covid-19 giữ cam kết về việc phân bổ vắc-xin công bằng, trong bối cảnh các nước nghèo nhất thế giới đang đợi những liều thuốc đầu tiên. WHO cho rằng, các thỏa thuận mua bán vắc-xin đơn lẻ sẽ làm xói mòn nỗ lực phân phối vắc-xin công bằng trên thế giới; nhấn mạnh, thay vì phân phối một cách đơn lẻ, các quốc gia sản xuất vắc-xin ngừa Covid-19 nên tài trợ vắc-xin cho các nước khác thông qua Cơ chế tiếp cận vắc-xin toàn cầu COVAX.
* Chính quyền Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn lên kế hoạch gửi một khoản tiền trị giá khoảng bốn tỷ USD cho Liên minh toàn cầu về vắc-xin và tiêm chủng (GAVI) để hỗ trợ Cơ chế tiếp cận vắc-xin toàn cầu COVAX, nhằm tăng tốc sự phát triển và phân phối vắc-xin cho các nước có thu nhập thấp. Ðộng thái nói trên đánh dấu nỗ lực mới nhất của Tổng thống G.Bai-đơn nhằm giải quyết đại dịch và nêu cao sự cần thiết phải hợp tác toàn cầu để đánh bại Covid-19.
* Tổng thống Pháp E.Ma-crông kêu gọi các nước phương Tây chuyển ngay 5% số lượng vắc-xin ngừa Covid-19 hiện có cho các nước châu Phi. Tổng thống E.Ma-crông khẳng định, việc chuyển một phần nhỏ liều lượng vắc-xin khỏi chuỗi cung ứng của châu Âu sang châu Phi sẽ không cản trở các chiến dịch tiêm chủng.
* Hai hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Ðức) tuyên bố khởi động dự án nghiên cứu quốc tế, với sự tham gia của 4.000 tình nguyện viên, nhằm đánh giá mức độ hiệu quả và an toàn của vắc-xin Covid-19 đối với phụ nữ mang thai khỏe mạnh. Trước đó, Viện Y tế quốc gia Mỹ kêu gọi các dự án nghiên cứu vắc-xin ngừa Covid-19 cần nghiên cứu việc sử dụng vắc-xin cho phụ nữ mang thai và cho con bú.
* Thủ tướng Anh B.Giôn-xơn kêu gọi Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) vận dụng “sự khéo léo tập thể” để cắt ngắn thời gian phát triển vắc-xin ngừa Covid-19. Theo đó, các loại vắc-xin ngừa Covid-19 hiện đang được phê duyệt tiêm đại trà cần khoảng 300 ngày để phát triển, nhưng Thủ tướng B.Giôn-xơn mong muốn thời gian này giảm xuống còn 100 ngày.
* I-xra-en cho biết sẽ gia hạn thêm 14 ngày quy định đóng cửa các đường biên giới trên bộ và trên không, nhằm nỗ lực ngăn chặn đại dịch Covid-19 lây lan. I-xra-en đã tạm đình chỉ các chuyến bay quốc tế từ ngày 24-1 vừa qua, sau đó đóng cửa biên giới với Gioóc-đa-ni và
Ai Cập.
* Nhật Bản vừa phát hiện một biến thể mới của vi-rút SARS-CoV-2 gây Covid-19, có khả năng lây lan mạnh hơn so với các biến thể thông thường khác. Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Cát-xư-nô-bư Ca-tô cho biết, biến thể mới được tìm thấy trong 91 ca mắc Covid-19 ở khu vực Can-tô của nước này và hai ca tại các sân bay.
* Trong chuyến thăm trung tâm tiêm chủng ở Bệnh viện Hoàng gia An-phrét tại thành phố Xít-ni ngày 19-2, Thủ tướng Ô-xtrây-li-a X.Mo-ri-xơn cho biết, ông sẽ là một trong những người được tiêm chủng ngay trong đợt đầu tiên. Ông X.Mo-ri-xơn tới Bệnh viện Hoàng gia An-phrét để thị sát quá trình chuẩn bị cho chương trình tiêm vắc-xin phòng Covid-19 được triển khai trên toàn quốc vào tuần tới.
* Số ca mắc mới Covid-19 tại Hàn Quốc đã quay trở lại dưới ngưỡng 600 ca/ngày. Ngày 19-2, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết, nước này đã ghi nhận 561 ca mắc mới, trong đó có 533 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Theo KDCA, các cơ quan liên quan sẽ giám sát chặt chẽ những khu vực làm việc quy mô lớn, nơi người lao động làm việc trong môi trường kín và đông đúc, cũng như các nhà máy có nhân viên nước ngoài ở ký túc xá, để ngăn chặn dịch lây lan.
* In-đô-nê-xi-a vừa khởi động các cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn hai đối với loại vắc-xin ngừa Covid-19 mang tên Nusantara tại bệnh viện thuộc thành phố Xê-ma-rang, tỉnh Trung Gia-va. Nhà khoa học Y.Nen-xi, một thành viên của nhóm nghiên cứu vắc-xin này cho biết, các cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn hai đã được tiến hành sau khi hoàn tất giai đoạn một vào cuối tháng 1-2021 với kết quả tốt và không gây bất cứ vấn đề nào nghiêm trọng đối với các tình nguyện viên.
* Chính phủ Anh tuyên bố tài trợ khoảng 25,9 triệu USD cho bốn dự án nghiên cứu nhằm giúp giải quyết những ảnh hưởng về thể chất và tinh thần mà Covid-19 gây ra cho các bệnh nhân ở tình trạng không quá nghiêm trọng, tức là bệnh kéo dài nhưng không đến mức phải nhập viện. Bộ trưởng Y tế Anh M.Han-cốc cho biết, bản thân ông đã nhận thức sâu sắc về sự suy nhược lâu dài mà Covid-19 gây ra đối với con người ở mọi lứa tuổi, dù các triệu chứng ban đầu có thể khác nhau.
* Ðài truyền hình A-rập Xê-út đưa tin, Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm nước này đã cấp phép sử dụng đối với vắc-xin ngừa Covid-19 do Ðại học Oxford và Hãng dược phẩm AstraZeneca phối hợp bào chế. Hiện vắc-xin ngừa Covid-19 của Oxford/AstraZeneca đang được hoan nghênh là “vắc-xin cho thế giới”, bởi giá thành rẻ và dễ phân phối hơn một số loại vắc-xin khác.
* Tại Hung-ga-ri, chính phủ nước này đã triển khai chương trình khảo sát trực tuyến cấp quốc gia về khả năng nới lỏng các biện pháp hạn chế đang được áp đặt nhằm ngăn chặn dịch bệnh, dù giới chức y tế vẫn cảnh báo về sự gia tăng số ca nhiễm mới và phải nhập viện vì Covid-19. Chương trình khảo sát này gồm bảy câu hỏi liên quan đến việc nới lỏng các biện pháp hạn chế.
* Cảnh sát miền bắc Mê-hi-cô bắt giữ sáu đối tượng bị cáo buộc buôn bán vắc-xin phòng Covid-19 giả. Trợ lý Bộ trưởng Y tế Mê-hi-cô cho biết, các đối tượng này làm giả vắc-xin của hãng Pfizer. Các chuyên gia y tế từ lâu đã lo ngại về việc các băng nhóm tội phạm ở Mê-hi-cô có thể tìm cách ăn trộm hoặc làm giả vắc-xin trong thời gian xảy ra dịch bệnh.