WHO kêu gọi các nước không nên chủ quan trước tình hình dịch COVID-19

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Tarzana, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 16/2, bà Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật về COVID-19 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định việc giảm tỉ lệ xét nghiệm COVID-19 nhiều khả năng sẽ dẫn đến giảm số ca nhiễm được ghi nhận, kể cả khi số ca tử vong vẫn đang tăng.

Phát biểu tại cuộc thảo luận trực tuyến phát sóng trực tiếp trên Twitter, Facebook và YouTube, bà Kerkhove nhấn mạnh mối quan ngại chính hiện nay là tình trạng gia tăng số ca tử vong do COVID-19. Chỉ riêng trong tuần qua, gần 75.000 người đã tử vong do căn bệnh này. Tuy nhiên, bà cho rằng con số thống kê này vẫn chưa đủ.

Trong khi đó, theo Tiến sĩ Mike Ryan, Giám đốc phụ trách xử lý các tình huống khẩn cấp của WHO, việc nhiều nước tuyên bố tỉ lệ lây nhiễm đã giảm từ cách đây 2-6 tuần nhiều khả năng sẽ khiến tỉ lệ xét nghiệm giảm theo.

Đầu tuần này, WHO đã hối thúc các chính phủ cải thiện tỉ lệ tiêm phòng và tăng xét nghiệm nhanh, trong bối cảnh biến thể Omicron khiến số ca nhiễm không ngừng tăng, đặc biệt là tại Đông Âu. Một số quốc gia hiện đã thông báo kế hoạch nới lỏng các biện pháp hạn chế liên quan đến COVID-19 trong những tuần tới, nếu số ca nhiễm mới hàng ngày tiếp tục giảm. Trước tình hình này, ông Ryan cảnh báo đây chưa phải là thời điểm để các nước điều chỉnh quy định cách ly đối với những người đã có kết quả dương tính khi xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc xét nghiệm PCR.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến chiều 17/2, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 418.444.392 ca nhiễm và 5.870.252 ca tử vong do COVID-19.

Trong diễn biến khác, một cuộc khảo sát quy mô được tiến hành gần đây cho biết gần 80% số người Malaysia được hỏi cho rằng đại dịch COVID-19 là mối đe dọa trực tiếp nhất đối với ASEAN.

Báo cáo từ Trung tâm Nghiên cứu ASEAN có trụ sở tại Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore) công bố ngày 16/2 cho thấy 57,8% người Malaysia được hỏi cho rằng các nước ASEAN phải coi thất nghiệp và suy thoái kinh tế là một thách thức nghiêm trọng.

Tiếp theo là bất ổn chính trị trong khu vực (50,4%), căng thẳng quân sự gia tăng (28,9%), chênh lệch kinh tế xã hội và biến đổi khí hậu (26,7% mỗi nước), điều kiện nhân quyền xấu đi (20,7%), khủng bố (11,1%).

Mối quan tâm của người Malaysia về COVID-19 thu hút khoảng 75,4% số người được hỏi, cho rằng đây là mối đe dọa lớn nhất, hơn hẳn tình trạng thất nghiệp và suy thoái kinh tế (49,8%). Lo ngại về khả năng ASEAN khó vượt qua các thách thức đại dịch hiện tại được 49,0% người được hỏi quan tâm.

Báo cáo cho biết vấn đề quan trọng khác đối với Đông Nam Á là sự cấp bách trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan đã ảnh hưởng đến khu vực vào năm 2021. Cuộc khảo sát được thực hiện từ ngày 11/11 đến 31/12/2021 đã thu hút 1.677 người tham gia với 8,1% trong số họ đến từ Malaysia.

Hầu hết những người được hỏi là học giả, từ các tổ chức tư vấn hoặc cơ quan nghiên cứu. Thành lập vào năm 1968, Viện ISEAS-Yusof Ishak là một Trung tâm khu vực chuyên nghiên cứu các xu hướng và phát triển chính trị-xã hội, an ninh và kinh tế ở Đông Nam Á cũng như môi trường địa chiến lược và kinh tế rộng lớn hơn của khu vực này.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/270994/who-keu-goi-cac-nuoc-khong-nen-chu-quan-truoc-tinh-hinh-dich-covid-19.html