WHO kêu gọi các nước Trung Đông tăng cường chia sẻ thông tin về dịch COVID-19
Ngày 18/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã hối thúc chính phủ các nước khu vực Trung Đông tăng cường chia sẻ thông tin về các ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 nhằm ứng phó một cách có hiệu quả với đại dịch có quy mô toàn cầu hiện nay.
Phóng viên TTXVN tại Cairo dẫn phát biểu trước báo giới của Giám đốc vùng Đông Địa Trung Hải của WHO, ông Ahmed al-Mandhari, nhấn mạnh: “Chúng ta chỉ có thể kiểm soát được dịch bệnh khi nắm bắt được tình hình thông qua những thông tin đánh giá đúng về hiện trạng khu vực”.
Ông al-Mandhari khẳng định: “Chúng ta có cơ hội để kiềm chế đại dịch này tại Trung Đông”.
Tính đến ngày 18/3, số ca mắc COVID-19 tại khu vực Trung Đông đã lên tới trên 18.000 người, trong đó trên 1.000 người tử vong tại 7 quốc gia, phần lớn là ở Iran.
Cùng ngày 18/3, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif hối thúc cộng đồng quốc tế gây sức ép đối với Mỹ để Washington gỡ bỏ các lệnh trừng phạt áp đặt với Iran. Tehran cáo buộc các lệnh trừng phạt này cản trở nỗ lực kiểm soát dịch COVID-19.
Hãng thông tấn IRNA dẫn lời ông Zarif trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Indonesia Retno Marsudi nêu rõ "các biện pháp trừng phạt đơn phương, vô nhân đạo và bất hợp pháp" của Mỹ phải bị bãi bỏ trong bối cảnh Iran đang phải chống chọi với dịch bệnh.
Cùng ngày, Tổng thống Israel Reuven Rivlin đã có cuộc điện đàm với Tổn thống Palestine Mahmoud Abbas thảo luận việc ứng phó với dịch COVID-19, trong đó ông Rivlin kêu gọi hai bên hợp tác trong vấn đề này.
Theo Văn phòng Tổng thống Israel, trong cuộc điện đàm, Tổng thống ông Rivlin nhấn mạnh thế giới đang phải ứng phó với một cuộc khủng hoảng không phân biệt quốc tịch hoặc quốc gia. Ông Rivlin khẳng định hợp tác giữa hai bên là hết sức quan trọng để bảo đảm sức khỏe của cả người dân Israel và Palestine, đồng thời cho rằng "khả năng phối hợp với nhau trong những thời điểm khủng hoảng cũng là một minh chứng về khả năng phối hợp với nhau trong tương lai vì lợi ích của tất cả chúng ta".
Theo Bộ Y tế Israel, tính đến nay nước này đã ghi nhận tổng số 422 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong khi Palestine ghi nhận có 44 ca nhiễm tại khu vực Bờ Tây.
Truyền thông Trung Đông ngày 18/3 dẫn thông báo của Bộ Y tế Iraq cho biết nước này đã phát hiện thêm 6 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm ở Iraq lên 164, trong đó 43 người đã khỏi bệnh. Với 1 ca tử vong mới, hiện Iraq đã ghi nhận 14 người tử vong. Một nhóm chuyên gia Trung Quốc gồm 7 người đã tới Baghdad để giúp Iraq ứng phó với dịch COVID-19.
Cùng ngày, Bộ Du lịch Oman đã kêu gọi tất cả các đoàn khách du lịch rời khỏi nước này. Đây được coi là một trong các biện pháp nhằm ngăn chặn sư lây lan của dịch COVID-19. Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải Oman thông báo từ ngày 19/3 tạm dừng hoạt động tất cả các loại hình vận tải công cộng, bao gồm xe buýt, phà và taxi.
Hiện tổng số ca mắc COVID-19 ở Oman là 33, trong đó 12 ca đã khỏi bệnh.