WHO khuyến cáo không dùng chất làm ngọt nhân tạo để giảm cân
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra hướng dẫn mới về chất làm ngọt nhân tạo, trong đó khuyến cáo không nên sử dụng chất này để kiểm soát trọng lượng cơ thể hoặc giảm nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm.
Khuyến cáo của WHO dựa trên kết quả của một đánh giá có hệ thống về các bằng chứng cho thấy việc sử dụng chất làm ngọt nhân tạo không mang lại bất kỳ lợi ích lâu dài nào trong việc giảm mỡ cơ thể ở người lớn hoặc trẻ em.
Kết quả tổng quan cũng chỉ ra nguy cơ xảy ra những tác dụng không mong muốn khi sử dụng chất làm ngọt nhân tạo lâu dài, điển hình như tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, bệnh tim mạch và tử vong ở người lớn.
Trong một tuyên bố, WHO nhận định việc thay thế đường bằng chất làm ngọt nhân tạo không giúp kiểm soát cân nặng về lâu dài.
Cơ quan quản lý y tế thế giới khuyến nghị cân nhắc sử dụng những phương pháp khác để giảm lượng đường nạp vào cơ thể như tiêu thụ đồ ăn và thức uống không đường.
Giám đốc Dinh dưỡng và An toàn Thực phẩm của WHO Francesco Branca cho biết, chất làm ngọt nhân tạo không phải là yếu tố thiết yếu trong chế độ ăn uống và không có giá trị dinh dưỡng. Do đó, mọi người nên sớm giảm hoàn toàn độ ngọt trong chế độ ăn uống để cải thiện sức khỏe.
Khuyến nghị của WHO hướng đến mọi đối tượng, ngoại trừ những người đã mắc bệnh tiểu đường; được áp dụng với tất cả những chất làm ngọt phi dinh dưỡng tổng hợp, tự nhiên hoặc biến đổi không được phân loại là đường có trong thực phẩm và đồ uống, hoặc chất làm ngọt được bán riêng để thêm vào thực phẩm và đồ uống.
Khuyến nghị không áp dụng cho những sản phẩm vệ sinh và chăm sóc cá nhân có chứa chất làm ngọt nhân tạo như như kem đánh răng và thuốc, hoặc đường có hàm lượng calo thấp.
Hướng dẫn mới nhất của WHO về chất làm ngọt nhân tạo nằm trong bộ hướng dẫn về thiết lập chế độ ăn uống lành mạnh và giảm nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm trên toàn thế giới.
Theo chuyên gia, chất tạo ngọt tổng hợp (hay còn gọi là chất tạo ngọt nhân tạo, đường hóa học) là chất không có trong tự nhiên, chủ yếu được tổng hợp từ các chất hữu cơ, vô cơ trong nhà máy.
Chất tạo ngọt nhân tạo thường có vị ngọt rất cao so với đường kính saccharose (đường tự nhiên khai thác từ mía, củ cải đường) không chuyển hóa được, do đó không có giá trị dinh dưỡng; thường có mục đích sử dụng là tạo vị ngọt trong điều trị cho những người bệnh thừa cân hay đái tháo đường
Đến nay, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt sáu loại chất ngọt nhân tạo (saccharin, acesulfam K, aspartame, sucraloza, advantame, neotame) và hai loại chất tạo ngọt tự nhiên (steviol glycosides, SGFE) để sử dụng trong thực phẩm.
Các loại được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm với giới hạn tối đa và có quy định rõ ràng. Aspartame có mặt trong hơn 6.000 loại thực phẩm trên toàn thế giới và khoảng 5.500 tấn được tiêu thụ mỗi năm chỉ riêng tại Mỹ.
Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay vẫn đang tồn tại rất nhiều những chất tạo ngọt có gốc hóa học là sodium cyclamate - một loại đường hóa học không hề có trong danh mục các loại phụ gia thực phẩm đã được Bộ Y tế cho phép lưu hành tại Việt Nam.
Loại đường hóa học này có thể gây ra ung thư gan, ung thư phổi, dị dạng bào thai, ảnh hưởng đến các yếu tố di truyền... Các chất chuyển hóa của cyclamate như mono và di-cyclohexylamin còn độc hại hơn cả cyclamate, đã được chứng minh gây ung thư cho chuột.
Các chất tạo ngọt tổng hợp hầu như không có giá trị dinh dưỡng, không chứa calo là do không bị phân hủy trong quá trình tiêu hóa thành các loại đường tự nhiên như glucose, fructose và galactose, vốn được sử dụng làm năng lượng hoặc chuyển thành chất béo.
Chất tạo ngọt không dinh dưỡng có các sản phẩm phụ khác nhau không được chuyển đổi thành calo. Ví dụ, aspartame trải qua một quá trình trao đổi chất khác nhau mà không tạo thành đường đơn giản để cơ thể có thể sử dụng.
Những loại khác như saccharin và sucralose hoàn toàn không bị phá vỡ mà thay vào đó được hấp thụ trực tiếp vào máu và bài tiết qua nước tiểu.
Về lý thuyết, những chất tạo ngọt này có vẻ là lựa chọn “tốt” hơn để thay thế cho đường cho bệnh nhân đái tháo đường do bản chất thực sự không cung cấp đường.
Theo các chuyên gia, các loại đường hóa học dễ hòa tan trong nước, không có mùi, không màu nên khó phát hiện. Tuy vậy, chúng ta vẫn có thể nhận ra chúng khi nếm thử loại đường này.
Nếu ăn thấy vị ngọt gắt, hơi đắng hoặc sau khi ăn, uống nước thấy lúc nào cũng đọng lại vị ngọt trên miệng thì bạn đã sử dụng thực phẩm chứa đường hóa học.
Nếu ăn chất tạo ngọt thường xuyên hoặc ăn số lượng nhiều có thể gây cảm giác nhức đầu, ù tai, cảm thấy chóng mặt hoặc có thể dị ứng.
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy chất tạo ngọt nhân tạo có thể thay đổi các quá trình trao đổi chất tại ruột. Chẳng hạn, saccharin được phát hiện làm thay đổi loại và chức năng của hệ lợi khuẩn trong ruột, aspartame làm giảm hoạt động của một loại enzyme đường ruột.
Nếu thường xuyên ăn nhiều đường hóa học, có thể gây suy giảm chức năng tiêu hóa, kích thích niêm mạc đường ruột, gây khó khăn cho sự hấp thụ chất dinh dưỡng, thậm chí có thể ảnh hưởng tới chức năng thận.
Nguy hiểm hơn, nếu sử dụng đường hóa học nhiều sẽ kìm hãm sự phát triển của trẻ, sinh ra nhiều bệnh tật hay gây suy dinh dưỡng, có thể khiến trí não phát triển không bình thường...
Ngoài ra, chức năng thải độc của gan, thận ở trẻ đều bị kém đi nên các hóa chất này sẽ tích lũy lại. Ở trẻ em đường hóa học có thể cản trở khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng khiến trẻ chậm lớn, biếng ăn.
Một số chất tạo ngọt có thể tác động não bộ làm thay đổi nhận thức vị giác và mất cân bằng trong sản xuất nội tiết tố. Chẳng hạn, Sucralose làm giảm hoạt động của amygdala, một phần của não liên quan đến nhận thức vị giác. Aspartame làm thay đổi việc sản xuất nội tiết tố tự nhiên trong cơ thể, làm tăng cả cảm giác ngon miệng và thèm chất ngọt.
Chất tạo ngọt có thể làm giảm khả năng kiểm soát mức tiêu thụ năng lượng, càng làm gia tăng rối loạn chuyển hóa.
Nhiều người nghĩ rằng uống thức uống ăn kiêng nhiều lần một tuần vẫn tốt hơn nhiều so với uống một lần loại có đường, nên ăn uống thỏa mái các sản phẩm sử dụng chất tạo ngọt thay thế đường như các loại thức uống, salad, bánh quy, sữa chua có chất tạo ngọt.
Các chất ngọt nhân tạo thường được xem là một chất thay thế an toàn cho đường, nhưng trái lại nhiều bằng chứng trên thực tế cho thấy việc sử dụng quá mức lại liên quan đến nguy cơ cao mắc hội chứng chuyển hóa trong đó gồm đái tháo đường type 2.