WHO khuyến nghị các nước cẩn trọng việc giảm thời gian cách ly

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Paris (Pháp). Ảnh: THX/TTXVN

* Nhiều nước châu Âu và châu Mỹ ghi nhận kỷ lục buồn về dịch COVID-19

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 29/12 khuyến nghị chính phủ các nước không nên giảm các hạn chế phòng dịch COVID-19, trong đó có việc giảm thời gian cách ly, mặc dù các phát hiện ban đầu cho thấy biến thể Omicron có thể khiến bệnh tình người mắc ít nghiêm trọng hơn so với các biến thể trước đó.

Tiến sĩ Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO, nhấn mạnh các nước cần "cẩn trọng" trong việc giảm các biện pháp hạn chế phòng dịch, đồng thời cho rằng ở thời điểm hiện tại, không nên có thay đổi lớn trong chiến thuật và chiến lược phòng dịch chỉ dựa trên cơ sở các nghiên cứu ban đầu và sơ bộ về Omicron.

Tiến sĩ Ryan chỉ ra rằng ngay cả với những biến thể trước, hầu hết bệnh nhân sẽ ủ bệnh và xuất hiện các triệu chứng hoặc cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 trong 6 ngày đầu. Như vậy, chỉ sau khoảng thời gian này, khả năng dương tính hoặc truyền bệnh mới thấp hơn.

Do đó, việc giảm thời gian cách ly với những người mắc COVID-19 là “sự đánh đổi” giữa việc kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh với duy trì các hoạt động của nền kinh tế.

Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO đưa ra tuyên bố trên sau khi Tây Ban Nha thông báo rút ngắn thời gian cách ly đối với các ca mắc COVID-19 từ 10 xuống còn 7 ngày. Trước đó, Mỹ cũng giảm khuyến nghị cách ly đối với các trường hợp mắc COVID-19 không có triệu chứng từ 10 xuống còn 5 ngày.

Theo hướng dẫn của WHO về cách ly, các trường hợp mắc COVID-19 có triệu chứng cần cách ly 10 ngày sau khi biểu hiện triệu chứng và thêm 3 ngày sau khi hết triệu chứng; trong khi các trường hợp không biểu hiện triệu chứng cần cách ly 10 ngày sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính.

Hiện các nước đều đang nỗ lực nhằm tìm ra biện pháp phù hợp để vừa có thể chặn đà lây lan của dịch bệnh vừa duy trì đà tăng trưởng kinh tế, đặc biệt sau khi số ca mắc mới trên toàn thế giới tăng 11% trong tuần trước do sự lây lan của biến thể Omicron.

Thế giới đang trải qua những ngày cuối cùng của năm 2021 trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, với một loạt kỷ lục buồn ghi nhận ở nhiều nước châu Âu và châu Mỹ.

Tại châu Âu, Bồ Đào Nha ngày 29/12 thông báo ghi nhận 26.867 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, mức cao nhất từ trước đến nay, đưa tổng số ca mắc ở nước này lên 1,33 triệu ca, trong đó có 18.921 ca tử vong (tăng 12 ca).

Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là thủ đô Lisbon, vùng Vale do Tejo và khu vực miền Bắc nước này. Hiện tỉ lệ lây nhiễm ở Bồ Đào Nha là 923,4 ca/100.000 dân.

Chính phủ Bồ Đào Nha đã gia hạn các biện pháp hạn chế đến ngày 5/1/2022, theo đó yêu cầu xuất trình giấy chứng nhận tiêm phòng COVID-19 hoặc kết quả xét nghiệm âm tính khi tới các địa điểm công cộng như nhà hàng, quán bar và các tụ điểm giải trí.

Bồ Đào Nha là một trong số những quốc gia đạt tỉ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới, với gần 90% dân số đã tiêm đủ liều cơ bản và gần 2,4 triệu người đã tiêm mũi tăng cường.

Thụy Sĩ ngày 29/12 cũng ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 tăng cao kỷ lục, với 17.634 ca trong 24 giờ qua. Bộ trưởng Y tế Thụy Sĩ Alain Berset cảnh báo số ca nhiễm biến thể Omicron ở nước này đang tăng mạnh và chiếm 58% số ca mắc mới.

Ông cho biết Chính phủ Thụy Sĩ đang xem xét áp dụng các biện pháp hạn chế mới để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Tính đến nay, đất nước 8,6 triệu dân này đã có 1,28 triệu ca mắc COVID-19 và 12.152 ca tử vong. Khoảng 67% dân số nước này đã hoàn tất phác đồ tiêm chủng cơ bản ngừa COVID-19. Ngoài ra, 22% dân số đã tiêm mũi thứ ba.

Còn tại Ireland, 16.428 ca mắc mới COVID-19 được báo cáo trong ngày 29/12, vượt qua mức kỷ lục một ngày trước đó, trong bối cảnh số ca nhập viện bắt đầu tăng. Hiện biến thể Omicron chiếm phần lớn số ca mắc mới COVID-19 tại Ireland.

Người đứng đầu Cơ quan Y tế Ireland, ông Tony Holohan, đã bày tỏ quan ngại về diễn biến tình hình dịch bệnh tại nước này, đồng thời khuyến cáo người dân tuân thủ nghiêm các quy định phòng dịch. Ireland hiện có 731.000 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.890 ca tử vong.

Tại châu Mỹ, Argentina ghi nhận con số đáng báo động về dịch COVID-19 với 42.032 ca mắc mới trong ngày 29/12, mức cao nhất kể từ tháng 5 vừa qua. Con số này tăng hơn gấp đôi so với mức kỷ lục 20.263 ca trong ngày 27/12.

Như vậy, đến nay, đất nước 45 triệu dân này có hơn 5,55 triệu ca mắc COVID-19 và 117.111 ca tử vong (tăng 26 ca trong 24 giờ qua).

Giới chuyên gia y tế cảnh báo nguy cơ lây lan dịch COVID-19 ở nước này hiện ở mức rất cao, đặc biệt ở vùng thủ đô Buenos Aires.

Hiện Argentina đã tiêm phòng cho 70% dân số đủ các mũi tiêm cơ bản và đang triển khai tiêm mũi tăng cường cho nhân viên tuyến đầu và người trên 60 tuổi.

Trong khi đó, số ca mắc mới COVID-19 tại Canada lần đầu tiên vượt mốc 20.000 ca trong ngày 29/12. Với 23.585 ca mắc mới phát hiện, tổng số ca mắc COVID-19 ở quốc gia Bắc Mỹ này hiện là 2.094.042 ca, trong đó có 30.231 ca tử vong.

Số ca mắc COVID-19 theo ngày ở Canada liên tục lập mốc cao kỷ lục trong những ngày gần đây trong bối cảnh siêu biến thể Omicron lây lan mạnh.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/269256/who-khuyen-nghi-cac-nuoc-can-trong-viec-giam-thoi-gian-cach-ly.html