WHO khuyến nghị tăng gấp đôi thuế rượu, bia tại châu Âu
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa khuyến nghị tăng gấp đôi thuế rượu, bia tại châu Âu như một giải pháp nhằm giảm khoảng 5.000 ca tử vong do các bệnh ung thư mỗi năm tại châu lục này. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa khuyến nghị tăng gấp đôi thuế rượu, bia tại châu Âu như một giải pháp nhằm giảm khoảng 5.000 ca tử vong do các bệnh ung thư mỗi năm tại châu lục này.
Văn phòng của WHO tại châu Âu nêu rõ việc tăng thuế các đồ uống chứa cồn là một trong những giải pháp tốt nhất và hiệu quả nhất để ngăn ngừa bệnh ung thư. Nếu chủ trương này được thực thi, theo WHO, Nga và Anh sẽ là 2 nước được hưởng lợi nhiều nhất. Theo WHO, việc tiêu thụ các đồ uống chứa cồn là nguyên nhân gây các bệnh ung thư liên quan đến khoang miệng, hầu, thực quản, đại trực tràng, gan, thanh quản và ung thư vú ở nữ giới. Văn phòng WHO tại châu Âu ước tính mỗi năm tại khu vực này có thêm 180 nghìn bệnh nhân ung thư, trong đó có 85 nghìn bệnh nhân ung thư tử vong mỗi năm có liên quan đến đồ uống có cồn. Theo cơ quan trên, mức thuế đối với đồ uống có cồn ở phần lớn khu vực châu Âu đều đang ở mức thấp, đặc biệt tại 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Thái Lan bật đèn xanh cho kỹ thuật tiêm vắc-xin dưới da
Thái Lan đã cấp phép cho các bác sĩ tại nước này được áp dụng kỹ thuật tiêm vắc-xin phòng COVID-19 dưới da thay vì tiêm thẳng vào cơ. Điều này được cho sẽ giúp giải được bài toán nguồn cung vắc-xin COVID-19 hạn chế.
Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul cho biết, kỹ thuật tiêm dưới da mà các bác sĩ đã khám phá trong tháng 8 có thể được sử dụng theo quyết định của các chuyên gia y tế. Bác sĩ Chalermpong Sukonthaphon, Giám đốc Bệnh viện Vachira ở Phuket cho biết, bệnh viện của ông đã được bật đèn xanh để sử dụng kỹ thuật tiêm dưới da từ ngày 17-9 vì các thử nghiệm cho thấy nó kích hoạt phản ứng miễn dịch tương tự như phương pháp tiêm thông thường. Điều đặc biệt là kỹ thuật này cũng giúp “tiết kiệm vắc-xin COVID-19”. Tờ Straits Times (Singapore) cho biết tính đến nay, mới chỉ có 21% trong tổng số 72 triệu người dân Thái Lan đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin COVID-19. Thái Lan đã ghi nhận trên 1,4 triệu ca mắc và 15 nghìn trường hợp tử vong vì COVID-19, phần lớn là từ tháng 4 năm nay.
Thủ đô của Đan Mạch được đánh giá an toàn nhất thế giới năm 2021
Theo báo cáo do Cơ quan tình báo kinh tế (The Economist Intelligence Unit) công bố hôm 20-9 về Chỉ số thành phố an toàn năm 2021, Thủ đô Copenhagen của Đan Mạch được xếp đứng đầu. Trong những năm gần đây, Tokyo, Singapore và Osaka đã chiếm giữ các vị trí hàng đầu trong báo cáo này. Tuy nhiên năm nay, Copenhagen - Thủ đô của Đan Mạch với số điểm được đánh giá 82,4/100 đã đứng đầu. Cùng nằm trong top 5 còn có Toronto, Singapore, Sydney và Tokyo. Một trong những yếu tố quan trọng khiến Copenhagen trở thành một thành phố an toàn là tỷ lệ tội phạm thấp, hiện ở mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ. Thành phố chú trọng đến việc can thiệp sớm với các sáng kiến phòng ngừa./.