WHO kích hoạt hệ thống khẩn cấp sau thảm họa động đất kinh hoàng ở Myanmar

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 28/3 đã kích hoạt hệ thống quản lý khẩn cấp và đang huy động trung tâm hậu cần của mình ở Dubai (Các tiểu vương quốc Arập thống nhất – UAE) để chuẩn bị vật tư y tế cứu thương cho khu vực xảy ra thảm họa động đất tại Myanmar.

Trận động đất kinh hoàng có độ lớn 7,7 đã làm rung chuyển miền Trung Myanmar trong chiều 28/3, gây ra sự tàn phá khủng khiếp và làm rung chuyển cả khu vực Đông Nam Á. Trong một phát biểu trên truyền hình quốc gia Myanmar tối 28/3, người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar cho biết đã ghi nhận ít nhất 144 người thiệt mạng và 730 người bị thương trong thảm họa này. Số thương vong có thể còn gia tăng trong những ngày tới.

Phát biểu từ trụ sở của WHO tại Geneva, người phát ngôn Margaret Harris cho biết cơ quan này coi đây là "một mối đe dọa rất lớn đối với tính mạng và sức khỏe con người".

 Tòa nhà bị sập do động đất tại Bangkok, Thái Lan, ngày 28/3/2025. (Ảnh: Straits Times)

Tòa nhà bị sập do động đất tại Bangkok, Thái Lan, ngày 28/3/2025. (Ảnh: Straits Times)

WHO đang tập trung vào việc cung cấp vật tư y tế cứu thương, thuốc men thiết yếu và các thiết bị cố định bên ngoài, trong bối cảnh ước tính sẽ có rất nhiều người bị thương cần được điều trị. Cơ quan này cũng lo ngại cơ sở hạ tầng y tế ở Myanmar có thể bị hư hại nghiêm trọng.

Bà Harris nêu rõ: "Chúng tôi đã sẵn sàng hành động - nhưng bây giờ chúng tôi cần biết chính xác địa điểm, những gì đã xảy ra và tại sao. Thông tin từ thực địa là rất quan trọng ngay lúc này".

Trận động đất xảy ra vào khoảng 12h50 phút chiều 28/3 (giờ địa phương), với tâm chấn gần Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Myanmar. Các nhân chứng cho biết nhiều tòa nhà đã đổ sập, trong khi một nhà thờ Hồi giáo bị sập một phần, khiến khoảng 10 người thiệt mạng. Chỉ 11 phút sau trận động đất đầu tiên, một dư chấn độ lớn 6,4 độ richter tiếp tục làm rung chuyển khu vực này.

Hiện các nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ vẫn đang được tiến hành. Những báo cáo sơ bộ cho thấy nhiều chung cư, bệnh viện, trường học và tòa nhà văn phòng chính phủ đã bị hư hại ở các mức độ khác nhau. Một số tòa nhà trong khuôn viên trường học bị sập và một số lượng học sinh không xác định đã bị chôn vùi.

Giới chức Mandalay đánh giá số người thiệt mạng và mất tích sẽ tập trung cao ở khu vực trung tâm thành phố này do rất nhiều tòa nhà tại đây bị hư hại.

Nhà cửa sụp đổ sau động đất tại Myanmar

Nhà cửa sụp đổ sau động đất tại Myanmar

Chính quyền quân sự Myanmar đã kêu gọi viện trợ nhân đạo quốc tế và ban bố tình trạng khẩn cấp tại 6 khu vực bị ảnh hưởng trong nước.

Trong một phát biểu trên truyền hình quốc gia, ông Zaw Min Tun - người phát ngôn của chính quyền quân sự - đã kêu gọi hiến máu do có quá nhiều người bị thương phải nhập viện điều trị.

Tại Thái Lan, chính quyền thủ đô Bangkok đã ban bố "khu vực thảm họa" sau khi hứng chịu các thiệt hại nghiêm trọng do dư chấn động đất từ nước láng giềng gây ra. Thị trưởng Bangkok được giao nhiệm vụ điều phối các hoạt động ứng phó khẩn cấp. Theo tin mới nhất được công bố, đã có ít nhất 2 người thiệt mạng ở khu vực thủ đô.

Trong khi đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố sẵn sàng cung cấp mọi hỗ trợ cho Myanmar và Thái Lan. Chia sẻ trên mạng xã hội, nhà lãnh đạo Ấn Độ viết: "Ấn Độ cầu nguyện cho sự an toàn và sức khỏe của tất cả mọi người”. Ông tuyên bố Ấn Độ sẵn sàng cung cấp mọi sự hỗ trợ cần thiết và đích thân ông đã chỉ đạo các cơ quan chức năng luôn trong trạng thái sẵn sàng ứng phó.

Kích hoạt Đứt gãy Sagaing

Theo kênh CNN, trận động đất xảy ra ngày 28/3 tại Myanmar đã kích hoạt Đứt gãy Sagaing, một đứt gãy lớn thuộc cấu trúc kiến tạo phức tạp của cao nguyên Tây Tạng. Đứt gãy này hình thành khi tiểu lục địa Ấn Độ va chạm với châu Á cách đây hàng chục triệu năm.

Đứt gãy Sagaing là vết nứt trên ở vỏ Trái đất ngăn cách hai mảng kiến tạo di chuyển theo hướng ngược nhau. Các mảng này di chuyển qua nhau với tốc độ 0,7 inch (18 mm) mỗi năm — một lượng chuyển động đáng kể. Nếu bạn xây dựng một hàng rào ngang qua đường đứt gãy này, nó sẽ dịch chuyển theo các hướng khác nhau và sẽ cách nhau 17cm sau 10 năm. Chuyển động đó thể hiện ứng suất tích tụ dọc theo đứt gãy và được giải phóng sau mỗi thập kỷ trong một trận động đất lớn.

Nhà địa chấn học James Jackson, tại Đại học Cambridge ở Anh, nói với CNN rằng, trận động đất tại Myanmar giống như "một con dao lớn cắt vào Trái đất".

Ông Jackson cho biết trận động đất này là do một vết nứt kéo dài, gây ra các chuyển động ngang trên mặt đất. "Hãy nghĩ đến một tờ giấy bị rách, và nó bị rách với tốc độ khoảng hai km mỗi giây".

Nhà địa chấn Jackson nói thêm: "Nó đang làm di chuyển một đứt gãy, giống như một con dao lớn cắt vào Trái đất".

Fabrice Cotton, một nhà địa chấn học tại Trung tâm GFZ, cũng đánh giá rằng trận động đất này có quy mô tương đương với trận động đất xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2023. Người ta cho rằng hơn 55.000 người đã thiệt mạng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria trong thảm họa đó.

CNN cho biết, trận động đất ngày 28/3 chắc chắn là trận động đất lớn nhất tấn công Myanmar kể từ năm 1946 và có khả năng là trận động đất mạnh nhất trong thời hiện đại. Cơn địa chấn năm 1946 ước tính có cường độ từ 7,6 đến 7,7 và cũng xảy ra dọc theo Đứt gãy Sagaing.

Đây cũng là trận động đất đầu tiên mạnh trên 7,0 ở Myanmar kể từ năm 1991, khi một trận động đất mạnh 7,0 xảy ra cách tâm chấn trận động đất vừa qua khoảng 160km về phía bắc.

Lần gần đây nhất có một trận động đất trên đất liền có cường độ như vậy là trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ năm 2023, khiến hơn 50.000 người thiệt mạng.

Trận động đất ở Myanmar có ước tính về độ rung lắc và thiệt hại tương tự như trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ vào thời điểm đó. Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ cho biết, trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến khoảng 750.000 người phải chịu rung lắc dữ dội; còn trận động đất ở Myanmar đã khiến khoảng 800.000 người phải chịu rung lắc dữ dội. Điều đáng chú ý là Myanmar có số người phải hứng chịu trận động đất mạnh và nghiêm trọng (cấp độ 8 và 9) cao gấp đôi, gần 5 triệu người so với con số 2,7 triệu người trong trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Hiện tại quy mô thiệt hại của thảm họa này vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, tờ Dailymail cho biết Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ cảnh báo con số thương vong có thể lên tới 10.000 người, thậm chí 100.000 người.

Về phía Myanmar, chính quyền quân sự đã xác nhận rằng quốc gia này đang phải đối mặt với nhiều trường hợp tử vong và thương tích sau trận động đất.

"Nhiều thường dân đã thiệt mạng và bị thương" do trận động đất mạnh 7,7 tấn công miền trung Myanmar - theo truyền thông nhà nước Myanmar.

"Nhiều người bị thương" đang nằm trong các bệnh viện ở miền trung Sagaing và Mandalay gần tâm chấn, cũng như ở thủ đô Napyidaw, đài MRTV cho biết. Những bệnh viện đó cần máu, "do đó, những người hiến máu được yêu cầu liên hệ ngay với các bệnh viện tương ứng để hiến máu", MRTV kêu gọi.

Theo CNN, quy mô thực sự của thiệt hại do trận động đất lớn 7,7 tấn công Myanmar ngày 28/3 vẫn chưa rõ ràng ở giai đoạn này, khi mà nhiều năm nội chiến đồng nghĩa sẽ rất khó để thu thập thông tin đáng tin cậy từ vùng thảm họa.

Tuy nhiên, các nhà khoa học và các chuyên gia khác đã đưa ra một số manh mối về mức độ hỗn loạn trên thực địa khi đất nước Myanmar, vốn không được trang bị tốt để ứng phó với thảm họa thiên nhiên, đang quay cuồng vì thảm kịch.

Hari Kumar, một kỹ sư xây dựng và điều phối viên khu vực của tổ chức phi chính phủ GeoHazards International tại Nam Á, nói với CNN rằng ông đã nghe bạn bè nói rằng Bệnh viện đa khoa Mandalay ở Myanmar đã quá tải và không còn tiếp nhận bệnh nhân nữa. "Điều này thực sự đáng buồn vì đó là bệnh viện duy nhất (trong khu vực) phục vụ công chúng. Rõ ràng là có rất, rất nhiều người đến đây với những vết thương", ông nói.

Kumar nói thêm rằng ông hiểu rằng bệnh viện Mandalay đã hết điện và nước. “Khả năng điều trị bệnh nhân của họ hiện tại sẽ bị hạn chế, điều này thực sự đáng buồn”, ông nói.

P.V

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/quoc-te/who-kich-hoat-he-thong-quan-ly-khan-cap-sau-tham-hoa-dong-dat-kinh-hoang-o-myanmar_175842.html