WHO lên tiếng về quốc gia tuyên bố không có ca nhiễm nCoV nào
Chia sẻ với BBC trong bài phỏng vấn mới nhất đăng tải ngày 8/11, quan chức cấp cao của WHO bày tỏ nghi vấn về tuyên bố của Turkmenistan rằng nước này không có ca nhiễm nCoV nào.
“Đại dịch đã lan rộng ra toàn thế giới trong gần hai năm nay”, tiến sĩ Catherine Smallwood, quan chức cấp cao thuộc bộ phận khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết. "Từ quan điểm khoa học, không có khả năng virus chưa lây lan ở Turkmenistan".
Turkmenistan là một trong số ít các quốc gia trên thế giới tuyên bố không có ca nhiễm SARS-CoV-2.
Phản biện công khai đầu tiên của WHO
Bình luận của tiến sĩ Smallwood là phản biện công khai đầu tiên của WHO đối với tuyên bố của Turkmenistan, vì ngày càng có nhiều ca mắc Covid-19 được báo cáo không chính thức ở quốc gia này.
WHO vốn dựa vào dữ liệu do chính phủ các quốc gia cung cấp để công báo số liệu thống kê về Covid-19 trên toàn cầu.
Cho đến gần đây, tổ chức này vẫn đang ghi nhận theo công bố từ chính quyền Turkmenistan rằng không có ca mắc Covid-19 nào được ghi nhận ở nước này - dẫn tới sự chỉ trích từ các nhà quan sát và phương tiện truyền thông độc lập.
Khi được hỏi liệu WHO có đang để cho Turkmenistan cung cấp dữ liệu sai lệch hay không, tiến sĩ Smallwood cho biết tổ chức này không thể “nêu lên câu hỏi liệu một quốc gia có đang hành động theo tinh thần của Quy định Y tế Quốc tế hay không” - đề cập đến khung pháp lý xác định quyền và nghĩa vụ của các quốc gia trong những cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng toàn cầu.
Vị quan chức cấp cao của WHO cũng cho biết điều quan trọng hơn là “xây dựng một cuộc đối thoại” với các chính quyền như chính quyền của Tổng thống Gurbanguly Berdymukhamedov, thay vì “đưa ra những tuyên bố trên thực tế có thể không dẫn đến cách hành động mà chúng tôi mong đợi”.
Các nhà phân tích nói rằng số liệu thống kê chính thức của Turkmenistan về Covid-19 là không đáng tin cậy.
Rachel Denber, phó giám đốc bộ phận châu Âu và Trung Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cho biết chính quyền Turkmenistan từng có tiền lệ nhiều lần đưa ra dữ liệu thiếu chính xác.
Một nhóm của WHO đã đến Turkmenistan vào tháng 7/2020 trong sứ mệnh duy nhất liên quan đến Covid-19 cho đến nay. Tiến sĩ Smallwood nói rằng họ ghi nhận một số dấu hiệu tích cực ở nước này - trong đó khẩu trang và các yêu cầu về cách ly xã hội đã thay thế hệ thống trừng phạt trước đây đối với những người đeo khẩu trang, những người bị buộc tội “thêu dệt hoảng loạn”.
Và vào đầu năm nay, Turkmenistan đã trở thành quốc gia đầu tiên bắt buộc tiêm chủng cho tất cả người lớn.
Nhiều câu hỏi đặt ra
Chính phủ Turkmenistan hiện nay sẵn sàng thảo luận về các biện pháp y tế phòng chống Covid-19, tiến sĩ Smallwood cho biết thêm. "Và đó là những gì chúng tôi tập trung vào vì cuối cùng, đây là những biện pháp sẽ góp phần bảo vệ người dân”.
Tuy nhiên, một số câu hỏi đang được đặt ra về cách tiếp cận này của WHO và liệu tổ chức này có thể giúp ứng phó với cuộc khủng hoảng một cách hiệu quả hay không khi không có số liệu thống kê đáng tin cậy từ thực địa.
Aynabat Yaylymova, người sáng lập saglyk.org, trang web quảng bá sức khỏe cộng đồng bằng ngôn ngữ Turk, nói rằng bằng cách giữ im lặng về số ca nhiễm, WHO đã “tạo điều kiện” cho chính quyền Turkmenistan tuyên truyền về đại dịch.
“Cách tiếp cận như không phải khoa học”, bà Yaylymova nhấn mạnh. “Chúng ta không thể thực sự giải quyết vấn đề nếu không thể định lượng nó. Và WHO có nhiệm vụ thúc đẩy khoa học”.
Những người chỉ trích cũng cáo buộc chính quyền Turkmenistan thao túng các quan chức của WHO và che giấu bằng chứng về đại dịch với các đại diện của WHO trong chuyến thăm năm ngoái.
Ruslan Myatiev, biên tập viên của trang Turkmen.news có trụ sở tại nước ngoài, cho biết chính phủ đã “chuẩn bị tốt” cho chuyến thăm của WHO.
“Họ đã lựa chọn chính xác các bác sĩ mà phái đoàn sẽ gặp trong nước và đưa họ đến ‘đúng’ các bệnh viện cần đến, cũng như gặp ‘đúng’ những bệnh nhân cần gặp”.
Theo BBC, hiện chưa thể xác minh một cách độc lập những tuyên bố đó. Trong báo cáo cuối cùng của mình, phái bộ của WHO đã lặp lại tuyên bố của chính phủ Turkmenistan rằng “không có trường hợp mắc Covid-19 nào được xác nhận”.
Tiến sĩ Smallwood nói với BBC rằng phái đoàn tới Turkmenistan “đã nêu ra những hành động chi tiết mà nước này có thể thực hiện, chẳng hạn sử dụng khẩu trang rộng rãi hơn”. Bà nói rằng WHO “phải tính đến việc mỗi quốc gia có “sự khác biệt bối cảnh, thực tế chính trị và năng lực kỹ thuật để ứng phó dịch”.
“WHO dựa trên sự sẵn sàng hợp tác, giao tiếp và tin tưởng với các quốc gia thành viên. Chúng tôi thực hiện đối thoại cởi mở và tiếp tục xây dựng điều đó với các quốc gia thành viên, cũng như luôn thúc đẩy việc này trong bất kỳ hoàn cảnh nào”, tiến sĩ Smallwood nhấn mạnh.