WHO lo ngại tỉ lệ nhiễm SARS-CoV-2 toàn cầu sắp đạt tới mức cao nhất
Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại một bệnh viện ở Bry-Sur-Marne, Pháp, ngày 15/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
* Pfizer đề cập khả năng cần tiêm vắc xin nhắc lại hằng năm
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã bày tỏ lo ngại về sự gia tăng của tỉ lệ nhiễm và tử vong vì bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 khi làn sóng lây nhiễm thứ 3 đang diễn ra trên khắp thế giới.
Trong phát biểu về tình hình dịch bệnh COVID-19 ngày 16/4, ông Ghebreyesus cho biết số ca nhiễm virus mới hằng tuần đã tăng gần gấp đôi trên toàn cầu trong hai tháng trở lại đây, gần đạt đến tỉ lệ cao nhất kể từ khi bùng phát dịch.
Cụ thể, đến ngày 16/4, tổng số ca nhiễm toàn cầu đã vượt 139 triệu ca, trong đó có hơn 3 triệu ca tử vong. Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh: "Tình trạng này là do sự kết hợp của các biến thể virus có khả năng lây lan nhanh, sự gia tăng các tiếp xúc xã hội, việc nới lỏng quá sớm các biện pháp phòng dịch, tình trạng người dân mệt mỏi sau thời gian dài căng thẳng, cũng như các chiến dịch tiêm chủng chưa có hiệu quả cao vào thiếu công bằng".
Theo ông, tại một số nước, dù tình trạng lây lan đang tiếp diễn, nhà hàng và câu lạc bộ ban đêm vẫn đầy người tụ tập, các khu chợ vẫn là nơi tập trung đông đúc, rất ít người sử dụng các biện pháp phòng bệnh. Tổng Giám đốc WHO khẳng định rằng sự gia tăng số ca nhiễm là có thể đoán được, nhưng "hoàn toàn có thể tránh".
Ông Ghebreyesus thừa nhận nhiều người dân và nhiều nước đang rất mong chờ mở cửa trở lại và nối lại cuộc sống bình thường, và WHO cũng có chung mong muốn này, song cảnh báo các động thái vội vàng sẽ đặt tính mạng con người trước nguy cơ. Ông kêu gọi mọi người nên áp dụng các biện pháp thận trọng cá nhân để đảm bảo sự an toàn của mình và những người xung quanh.
* Người tiêm vắc xin ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech có thể cần tiêm mũi thứ 3 trong vòng từ 6-12 tháng và sau đó là tiêm nhắc lại hằng năm để đảm bảo tối ưu hiệu quả của vắc xin. Giám đốc điều hành công ty dược phẩm Pfizer của Mỹ, ông Albert Bourla cho biết như trên trong cuộc phỏng vấn với CNBC ngày 15/4. Ông Bourla cho biết Pfizer đang nghiên cứu tần suất tiêm chủng vắc xin phù hợp, trong đó phụ thuộc nhiều vào các biến thể của SARS-CoV-2.
Tháng trước, Pfizer cho biết vắc xin ngừa COVID-19 của hãng đạt hiệu quả tới hơn 91% trong việc phòng ngừa COVID-19 và hơn 95% trong việc ngăn ngừa các diễn biến bệnh trầm trọng trong vòng 6 tháng sau khi tiêm mũi thứ 2. Đây là kết quả thu được từ các cuộc thử nghiệm vắc xin với sự tham gia của hơn 12.000 người.
Hiện các nhà nghiên cứu của Pfizer đang tìm hiểu vắc xin này có khả năng phòng ngừa SARS-CoV-2 trong bao lâu với những người từng được tiêm chủng đầy đủ các mũi.
Cũng trong một cuộc phỏng vấn, ông Bourla đã lên tiếng bảo vệ giá thành vắc xin ngừa COVID-19 của Pfizer, vốn được cho là một trong những loại vắc xin đắt nhất trên thị trường hiện nay.
Ông Bourla lập luận rằng giá vắc xin ngừa COVID-19 của Pfizer không đắt hơn so với giá một bữa ăn nếu so với hiệu quả cứu người và cho phép các nền kinh tế mở cửa trở lại. Ông khẳng định Pfizer không kiếm lời từ việc bán vắc xin cho các nước nghèo.
Theo số liệu do một thành viên chính phủ Bỉ công bố vài tháng trước, vắc xin của Pfizer/BioNTec - sản phẩm hợp tác giữa công ty dược phẩm của Mỹ và Đức, chiếm phần lớn ngân sách mua vắc xin của EU.
Thủ tướng Bulgaria Boyko Borissov cảnh báo hồi đầu tuần, EU đang đối mặt với chi phí vắc xin cao khi đàm phán mua gần 2 tỉ liều vắc xin ngừa COVID-19 cho những năm tới. Ông Borissov cho biết vắc xin của Pfizer/BioNTec từng có mức giá 12 euro (14 USD), sau đó tăng lên 15 euro và 19,5 euro theo đơn giá trong các hợp đồng ở thời điểm hiện tại.
Ông Bourla không xác nhận về giá vắc xin của hãng, song thừa nhận vắc xin của Pfizer có mức giá bán ra cao hơn tại các nước phát triển, cụ thể là các nước châu Âu và Mỹ. Ở các nước có thu nhập trung bình, vắc xin của Pfizer được bán một nửa giá, trong khi ở những nước nghèo, bao gồm các nước châu Phi, vắc xin của Pfizer được bán bất kể giá nào.
Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát quan ngại về việc vắc xin của Pfizer được phân phối tại các nước châu Phi do sản phẩm này cần được bảo quản ở nhiệt độ đông lạnh tối thiểu -70 độ C. Ông Bourla cho biết thêm công ty này đang tiếp tục nghiên cứu công thức để có thể bảo quản vắc xin từ 4-6 tháng trong điều kiện nhiệt độ thường.