WHO: Nguồn gốc bệnh COVID-19 khó có khả năng rò rỉ từ phòng thí nghiệm
Nhóm nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra một dự thảo báo cáo về nguồn gốc của bệnh dịch COVID-19 kết luận rằng, việc virus gây bệnh COVID-19 rò rỉ từ phòng thí nghiệm là 'cực kỳ khó xảy ra'.
Theo bài đăng của hãng thông tấn Mỹ Associated Press (AP) cho biết, trong nghiên cứu chung của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung Quốc về nguồn gốc của COVID-19 cho biết, việc truyền virus từ dơi sang người thông qua một động vật trung gian là trường hợp có khả năng xảy ra cao nhất và việc rò rỉ virus từ phòng thí nghiệm là "cực kỳ khó xảy ra”.
Các phát hiện phần lớn như dự đoán tuy nhiên vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp. Báo cáo lần này đã cung cấp chi tiết chuyên sâu hơn lý giải đằng sau kết luận của nhóm nghiên cứu.
Các tác giả của báo cáo cũng đề xuất nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này ngoại trừ giả thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm.
Việc công bố báo cáo của WHO về nguồn gốc dịch bệnh COVID-19 đã nhiều lần bị trì hoãn và làm dấy lên câu hỏi về việc liệu phía Trung Quốc có đang làm sai lệch kết luận, để tránh nhận cáo buộc Trung Quốc là nơi khởi nguồn của đại dịch. Một quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới cho biết vào cuối tuần trước rằng, bản báo cáo dự kiến nó sẽ được công bố "trong vài ngày tới".
Hãng thông tấn AP cho biết, đã nhận được bản báo cáo dường như là phiên bản cuối cùng vào ngày 29/3 từ một nhà ngoại giao một quốc gia thành viên WHO. Không rõ liệu báo cáo có còn được thay đổi trước khi công bố hay không. Nhà ngoại giao không muốn được tiết lộ danh tính vì họ không được phép công bố báo cáo trước khi bản chính thức được công khai.
Các nhà nghiên cứu đã liệt kê bốn kịch bản có khả năng xảy ra về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2. Đứng đầu danh sách là sự lây truyền qua một động vật, đây là khả năng dễ xảy ra nhất. Các nhà nghiên cứu cho rằng, khả năng lây qua thực phẩm “đông lạnh” cũng có thể xảy ra nhưng không cao.
Loài động vật gần nhất được tìm thấy có mang virus corona, được cho là nguồn gốc gây ra COVID-19 là loài dơi. Tuy nhiên, báo cáo cho biết, “khoảng cách tiến hóa giữa những virus tìm thấy ở dơi và virus SARS-CoV-2 ước tính là vài thập kỷ, điều này cho thấy một mối liên hệ không chắc chắn”.
Báo cáo cũng cho biết các loại virus còn được tìm thấy ở tê tê, ngoài ra các loài động vật như chồn và mèo cũng nhạy với virus gây COVID-19. Điều này cho thấy, tất cả các loài động vật trên đều có thể là vật mang mầm bệnh.
Báo cáo này dựa trên chuyến thăm của một nhóm chuyên gia quốc tế của WHO đến thành phố Vũ Hán, Trung Quốc nơi COVID-19 được phát hiện lần đầu tiên. Nhóm đã có thời gian làm việc từ cuối giữa tháng 1 đến giữa tháng 2.
Ông Peter Ben Embarek, chuyên gia của WHO, người dẫn đầu đoàn điều tra tại Vũ Hán, cho biết, báo cáo đã được hoàn thiện và đang được kiểm tra và dịch.
“Tôi hy vọng rằng trong vài ngày tới, toàn bộ quá trình đó sẽ hoàn tất và chúng tôi có thể công khai bản báo cáo này” ông Peter Ben Embarek nói.
Bản dự thảo của báo cáo không đưa ra kết luận rằng, đợt bùng phát dịch bệnh bắt đầu tại một chợ hải sản Vũ Hán – nơi phát hiện ổ dịch đầu tiên vào tháng 12/ 2019 hay không.
Việc phát hiện ra các trường hợp nhiễm bệnh khác trước đó đã đặt ra giả thuyết rằng dịch bệnh có thể bắt đầu từ nơi khác. Báo cáo lưu ý rằng có thể có những trường hợp nhẹ hơn mà không bị phát hiện.
Khi đại dịch lây lan trên toàn cầu, Trung Quốc đã tìm thấy các mẫu virus trên bao bì thực phẩm đông lạnh được đưa vào nước này và họ đã theo dõi mối liên hệ giữa các ổ dịch đơn lẻ với các sản phẩm này.
Báo cáo khẳng định, thực phẩm đông lạnh có thể là nguyên nhân dẫn đến sự lây lan virus qua biên giới, tuy nhiên khó có khả năng gây ra sự bùng phát dịch bệnh, việc lây nhiễm thấp hơn nhiều so với lây nhiễm qua đường hô hấp từ người sang người.
“Mặc dù có một số bằng chứng cho thấy virus SARS-CoV-2 có thể hồi sinh thông qua các sản phẩm đông lạnh bị ô nhiễm nhập khẩu vào Trung Quốc kể từ giai đoạn đầu của đại dịch, nhưng điều này sẽ rất bất thường vào năm 2019 vì khi đó virus này không lưu hành rộng rãi”, nghiên cứu cho biết.
Hải Yến
(Theo AP)