WHO nhận định thế giới có thể sẽ phải sống chung với COVID-19
Trong bối cảnh virus SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục biến đổi, WHO cho rằng thế giới có thể sẽ phải sống chung với COVID-19.
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 9/9 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 223.258.459 ca, trong đó có 4.607.801 người tử vong. Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 518.532 trường hợp mắc COVID-19 và 8.941 ca tử vong.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Colombo, Sri Lanka, ngày 6/9/2021. Ảnh: THX
Trong những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 trong ngày đang có dấu hiệu chững lại trên phạm vi toàn cầu, tuy nhiên, một số nước ở châu Á, châu Âu tình hình vẫn đáng quan ngại với sự bùng phát của biến chủng virus Delta hết sức nguy hiểm, và giờ thêm cả biến thể Mu. Đặc biệt, Mỹ, Ấn Độ, Iran, Anh số ca mắc mới vẫn cao đáng báo động. Mỹ đã quay lại vị trí quốc gia có số ca mắc mới và tử vong trong ngày cao nhất thế giới.
Châu Á đến nay vẫn đang là "điểm nóng" của dịch COVID-19 trên toàn thế giới, với tổng số ca mắc mới hằng ngày ở mức cao nhất so với khu vực khác. Trong 24 giờ qua, Ấn Độ, Iran, Malaysia, Philippines là những nước ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất ở khu vực châu Á, dao động từ khoảng 12.700 - 37.800 ca. Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất châu lục trong ngày với 37.875 ca. Đến nay, châu Á có tổng cộng 71,85 triệu ca mắc, trong đó có trên 1,06 triệu ca tử vong do COVID-19.
Theo trang worldometers.info, sau châu Á, châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng thứ hai của dịch COVID-19 với tổng cộng 56,25 triệu ca nhiễm, trong đó Nga ghi nhận 7,06 triệu ca nhiễm. Tiếp theo là Bắc Mỹ (49,46 triệu ca nhiễm), Nam Mỹ (37,12 triệu ca nhiễm), châu Phi (8,02 triệu ca nhiễm), châu Đại Dương (177.000 ca nhiễm).
Trong bối cảnh virus SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục biến đổi ở những quốc gia chưa tiêm hoặc có tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng bệnh thấp trên thế giới, các quan chức của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng COVID-19 có thể sẽ là "phần tất yếu" của thế giới.
Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO Mike Ryan cho rằng khả năng cao thế giới sẽ không thể xóa bỏ hay loại bỏ hoàn toàn virus SARS-CoV-2 như những tuyên bố lâu nay. Theo Tiến sĩ Ryan, virus SARS-CoV-2 sẽ luôn tồn tại và cuối cùng sẽ trở thành một dạng virus giống như những virus gây đại dịch cúm hay những loại virus khác từng ảnh hưởng đến con người.
Các quan chức WHO từng nói rằng các loại vaccine phòng bệnh không thể đảm bảo thế giới sẽ xóa sổ được đại dịch COVID-19 giống như với một số loại virus khác. Một số chuyên gia y tế hàng đầu, trong đó có cố vấn dịch bệnh hàng đầu của Nhà Trắng, Tiến sĩ Anthony Fauci, và Giám đốc điều hành của hãng dược Moderna Stephane Bancel, mới đây cũng từng cảnh báo thế giới sẽ phải sống chung với COVID-19 mãi mãi, giống như với bệnh cúm.
Nhiều quan chức WHO cho rằng nếu toàn thế giới sớm thực hiện các biện pháp ngăn chặn virus lây lan thì tình hình hiện nay có thể đã rất khác. Tại cuộc họp báo ngày 7/9, theo trưởng nhóm kỹ thuật của WHO phụ trách đại dịch COVID-19, Maria Van Kerkhove, thế giới đã có cơ hội để hành động ngay từ khi đại dịch bùng phát và tình hình có thể đã không tồi tệ như hiện nay nếu cơ hội đó không bị bỏ lỡ.
Vaccine hiện vẫn được coi là vũ khí tối thượng để phòng chống COVID-19. Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) thông báo trong 6 tháng qua, có 240 triệu liều vaccine đã được phân phối tới 139 quốc gia trong cơ chế COVAX. Cơ quan này hy vọng cơ chế COVAX sẽ phân phối hơn 1,4 tỷ liều vaccine COVID-19 trong năm 2021 này, trong đó 1,2 tỷ liều dành cho các nền kinh tế có thu nhập thấp hơn.