WHO 'phá giải' thêm 3 thắc mắc lớn về Covid-19
Sự tương đồng giữa virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 và SARS-CoV gây SARS, khả năng tồn tại của virus… là những nội dung được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cập nhật.
1. Covid-19 có giống với SARS không?
Đây là vấn đề gây nhiều thắc mắc trong dân chúng kể từ khi tên SARS-CoV-2 được đặt cho loại virus corona mới gây bệnh Covid-19, cũng như tuyên bố về mối quan hệ "họ hàng" của 2 virus này.
Tuy nhiên WHO khẳng định 2 bệnh Covid-19 và SARS là khác nhau. 2 loại virus corona gây ra 2 bệnh có liên quan về mặt di truyền nhưng những gì chúng gây ra trên bệnh nhân hoàn toàn khác nhau.
SARS gây tử vong nhiều hơn nhưng ít lây nhiễm hơn Covid-19. Không có dịch SARS ở bất cứ nơi nào trên thế giới từ năm 2003.
2. Con người có thể nhiễm Covid-19 và các virus corona khác từ động vật không?
Virus corona vốn là một họ virus lớn thường gặp ở động vật. Đôi khi một số người bị nhiễm những virus này từ động vật rồi lây sang người khác. Ví dụ, SARS-CoV gây bệnh SARS được liên kết với cầy hương, trong khi MERS-CoV có nguồn gốc từ lạc đà. SARS-CoV-2 gây Covid-19 cũng có thể như vậy nhưng cho đến nay, các nguồn gốc động vật có thể có của virus vẫn chưa được xác nhận.
Vì vậy, để bảo vệ bản thân, bạn cần cẩn trọng thực hiện các biện pháp phòng vệ đã được khuyến cáo khi đi đến chợ có bán động vật sống, gặp động vật lạ. Thịt, sữa và nội tạng động vật cần được xử lý đúng cách. Tốt nhất chỉ nên dùng thức ăn đã nấu chín.
3. Virus tồn tại bao lâu trên bề mặt?
Lời khuyên của WHO là đừng mải đi tìm con số chuẩn xác, mà hãy lo vệ sinh các bề mặt có thể bị nhiễm bẩn quanh bạn.
Không rõ virus gây ra Covid-19 tồn tại trên bề mặt bao lâu nhưng dường như nó hoạt động giống các virus corona khác. Các nghiên cứu ban đầu cho thấy thời gian nó sống trên bề mặt là vài giờ cho đến vài ngày, tuy nhiên điều này có thể thay đổi trong các điều kiện khác nhau (loại bề mặt, nhiệt độ, độ ẩm…). Vì vậy, rất khó đi đến một con số cụ thể.
Cách dễ dàng nhất là dùng chất khử trùng lau mọi bề mặt mà bạn sợ rằng nó đã bị nhiễm bẩn. Ngoài ra nên nhớ rửa tay (bằng xà phòng, nước hoặc dung dịch chứa cồn) và tránh chạm tay lên mắt/mũi/miệng chính là cách để virus từ các bề mặt không tấn công được bạn.
Không có chuyện virus tự "nhảy" từ các bề mặt lên cơ thể bạn, mà phổ biến nhất là chúng được đưa đến mắt/mũi/miệng thông qua chính bàn tay của bạn.