WHO: Phát hiện virus bại liệt trong nước thải ở thủ đô London của Anh
Nước Anh đã xóa sổ hoàn toàn căn bệnh bại liệt từ 2 thập niên trước nhưng giới chức y tế phát hiện một loại virus gây bệnh bại liệt có nguồn gốc từ vaccine trong các mẫu nước thải ở thủ đô London.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và giới chức y tế Anh ngày 22/6 cho biết đã phát hiện một loại virus gây bệnh bại liệt có nguồn gốc từ vaccine trong các mẫu nước thải ở thủ đô London.
Anh đã xóa sổ hoàn toàn căn bệnh này từ 2 thập niên trước và hiện nước này cũng chưa phát hiện trường hợp nào mắc bệnh bại liệt.
Trong một tuyên bố, WHO cho biết đã phát hiện virus bại liệt tuýp 2 có nguồn gốc từ vaccine (VDPV2) trong các mẫu nước thải ở London.
WHO nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phân lập virus, đồng thời nhấn mạnh "bất kỳ loại virus bại liệt nào cũng là mối đe dọa đối với trẻ em ở khắp mọi nơi."
Cơ quan An ninh Y tế Anh (UKHSA) cho biết các phân lập virus đã được tìm thấy trong "nhiều mẫu nước thải được thu thập từ Công trình xử lý nước thải London Beckton từ tháng 2 đến tháng 6/2022."
Nhà máy này bao phủ một vùng rộng lớn ở phía Bắc và Đông London - nơi sinh sống của khoảng 4 triệu người. Do đó, nhà chức trách cần điều tra mức độ lây lan của virus này ở khu vực Đông Bắc London.
Nỗ lực của các nước trong những thập niên gần đây đã đưa thế giới tiến gần hơn tới xóa sổ bệnh bại liệt - căn bệnh khiến người mắc bị liệt và có thể tử vong, chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ dưới 5 tuổi.
Số người mắc bệnh đã giảm tới 99% kể từ năm 1988 - khi bệnh bại liệt lưu hành ở 125 quốc gia, với 350.000 ca được ghi nhận trên toàn thế giới.
Virus bại liệt hoang dã hiện chỉ tồn tại ở Afghanistan và Pakistan, nhưng một loại vaccine có chứa một lượng nhỏ virus bệnh bại liệt sống dù đã suy yếu vẫn gây ra các đợt bùng phát thường xuyên ở một số nơi.
Khi dùng vaccine phòng bại liệt theo đường uống (OPV), virus có trong vaccine nhân lên trong ruột và có thể truyền sang người khác qua nước nhiễm phân - có nghĩa là virus này sẽ không ảnh hưởng những trẻ đã dùng vaccine ngừa bệnh, song có thể lây sang hàng xóm ở những nơi có mức độ vệ sinh và tiêm chủng thấp.
Mặc dù yếu hơn so với virus bại liệt hoang dã, nhưng virus này vẫn có thể khiến những người chưa sử dụng vaccine bị bại liệt hoặc mắc bệnh nặng nếu nhiễm phải.
Thống kê của WHO cho thấy có 959 trường hợp mắc VDPV2 vào năm 2020.
Chuyên gia loại trừ bệnh bại liệt Kathlene O'Reilly cảnh báo việc phát hiện virus này trong các mẫu nước thải ở London cho thấy "có thể có sự lây lan cục bộ của virus, rất có thể xảy ra ở những người chưa sử dụng vaccine phòng bệnh. Hiện, tỷ lệ tiêm phòng bại liệt ở London là gần 87%.
Cơ quan y tế của Liên hợp quốc đã kêu gọi loại bỏ OPV trên toàn thế giới và thay thế bằng vaccine bại liệt bất hoạt (IPV). Anh đã ngừng sử dụng OPV vào năm 2004 và các cơ quan y tế Anh cho biết có khả năng virus được tìm thấy trong các mẫu nước thải là do một người nào đó sử dụng loại vaccine này ở nước ngoài.
Ông David Elliman, một bác sỹ nhi khoa tại Bệnh viện Great Ormond Street cho biết các bậc cha mẹ đôi khi thắc mắc tại sao vẫn phải tiêm vaccine phòng các loại bệnh đã được loại trừ tại Anh, trong đó có bại liệt.
Câu trả lời là do các nước mở cửa, nên dịch bệnh hoàn toàn có thể du nhập từ nước ngoài và việc tìm thấy virus ngừa bệnh bại liệt có nguồn gốc từ vaccine trong nước thải đã chứng minh cho câu trả lời trên./.