WHO sẽ phân phối 237 triệu liều vắcxin theo chương trình COVAX

Một quan chức chính phủ Bờ Biển Ngà được tiêm vắcxin ngừa COVID-19 tại Abidjan - Ảnh: THX/TTXVN

Liên quan đến chương trình chia sẻ vắcxin toàn cầu COVAX, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 2/3 thông báo, dự kiến đến cuối tháng 5/2021, sẽ có 237 triệu liều vắcxin COVID-19 được phân phối tới 142 nước tham gia chương trình này của Liên hợp quốc.

Theo WHO, số vắcxin trên do hãng dược AstraZeneca và Viện huyết thanh Ấn Độ sản xuất sẽ được phân phối làm 2 đợt, với đợt đầu tiên trong tháng 2-3, và đợt 2 trong tháng 4-5/2021. Đây được xem là bước tiếp theo trong chương trình cung cấp vắcxin COVID-19 cho các nước nghèo và thu nhập thấp do WHO tài trợ.

Tiến trình phân phối này đã được kích hoạt từ cuối tuần trước với các điểm đến đầu tiên là Ghana và Bờ Biển Ngà. Trong ngày 2/3, các nước Angola, Campuchia, Cộng hòa Dân chủ Công gô và Nigeria cũng tiếp nhận đợt phân phối vắcxin của COVAX. Theo kế hoạch, trong năm nay, chương trình COVAX sẽ mua khoảng 1,8 tỉ liều vắcxin để phân phối.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom nhấn mạnh COVAX là chương trình hợp tác hữu nghị chưa từng có tiền lệ, không chỉ thay đổi diễn biến đại dịch mà còn thay đổi cách thức thế giới ứng phó những tình huống y tế khẩn cấp trong tương lai.

Trong khi đó, ngày 2/3, Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ sẽ có đủ nguồn cung vắcxin COVID-19 để chủng ngừa cho toàn bộ người trưởng thành ở Mỹ vào cuối tháng 5 tới. Phóng viên TTXVN tại Mỹ cho biết tuyên bố trên được Tổng thống Biden đưa ra trong bối cảnh chính quyền Mỹ đang thúc đẩy hợp tác giữa Merck và Johnson & Johnson để sản xuất vắcxin COVID-19 một liều duy nhất trong thời gian tới.

Theo đó, thời hạn cho mục tiêu cung cấp đủ vắcxin cho người trưởng thành tại Mỹ cũng được rút ngắn so với dự đoán trước đây của chính Tổng thống Biden rằng nước Mỹ sẽ có đủ vắcxin cho mọi người trưởng thành ở Mỹ - với khoảng 600 triệu liều, vào cuối tháng 7.

Tổng thống Biden nhấn mạnh rằng sự phát triển hiện nay đánh dấu cột mốc quan trọng trong cuộc chiến chống COVID-19, dù ông cũng cảnh báo rằng cần phải làm nhiều hơn nữa để phân phối vắcxin và chủng ngừa cho phần lớn dân số Mỹ.

Chính quyền Tổng thống Biden cũng đang cố gắng giải quyết tình trạng lo ngại về vắcxin bằng cách thông báo rằng vắcxin an toàn và hiệu quả để đảm bảo rằng càng nhiều người dân được tiêm chủng càng tốt. Tổng thống Biden cũng nhắc lại lời kêu gọi Quốc hội Mỹ cần nhanh chóng thông qua đề xuất cứu trợ trị giá 1,9 nghìn tỉ USD của mình.

Để tăng số lượng vắcxin đang được lưu hành, Tổng thống Biden đã thông báo chi tiết về sự hợp tác của Merck để mở rộng sản xuất vắcxin đơn liều Johnson & Johnson đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) phê duyệt cuối tuần qua.

Tổng thống Biden cho biết ông đã viện dẫn Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để trang bị cho các cơ sở của Merck nhằm sản xuất vắcxin an toàn và Johnson & Johnson có kế hoạch vận hành các cơ sở sản xuất 24/7 để tăng lượng cung ứng.

Trong khi đó, các nhà khoa học Mỹ sẽ bắt đầu nghiên cứu triệu chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C), một hiện tượng hiếm gặp gây tử vong ở trẻ em, được cho có liên quan đến đại dịch COVID-19. Chương trình nghiên cứu này sẽ phát triển và tài trợ những nghiên cứu điều tra về nguyên nhân một số trẻ em phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 cao hơn người khác, nguyên nhân gây ra triệu chứng khác nhau ở những trẻ em bị lây nhiễm, và cách thức xác định những em có nguy cơ bị bệnh nặng do lây nhiễm SARS-CoV-2.

Tại Trung Đông, Israel là nước có tỉ lệ số ca nhiễm trên 1 triệu dân ở mức cao nhất (85.372 ca), tiếp theo là Bahrain (70.975 ca).

Indonesia là nước bị ảnh hưởng nhiều nhất ở khu vực Đông Nam Á khi đã ghi nhận 1.347.026 ca nhiễm, trong đó có 36.518 ca tử vong. Tiếp đến là Philippines với 580.442 ca nhiễm và 12.369 ca tử vong.

Một thông tin đáng chú ý là theo các nhà khoa học thuộc Đại học Imperial London (Anh), biến thể của virus SARS-CoV-2 xuất hiện ở Manaos (Brazil) và được phát hiện ở ít nhất 20 quốc gia trên thế giới với tốc độ lây lan nhanh có thể tái nhiễm cho những người đã khỏi bệnh.

Chuyên gia về virus học Nuno Faria, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết trong 100 người tại Manaos mắc COVID-19 đã khỏi bệnh trước đó thì có khoảng từ 25-61 người dễ bị tái nhiễm với P.1. Các nhà khoa học cũng tính toán rằng virus P.1 có khả năng lây nhiễm cao hơn từ 1,4 đến 2,2 lần so với loại virus SARS-CoV-2 xuất hiện ban đầu.

Mặc dù vậy, chuyên gia Faria cho rằng vẫn còn quá sớm để kết luận về việc liệu khả năng tránh được miễn dịch của biến thể này đối với những lây nhiễm trước đó có nghĩa là vắcxin cũng giảm khả năng bảo vệ trước sự tấn công của P.1 hay không.

Hiện chưa có bất kỳ bằng chứng nào về việc các loại vắcxin hiện hành không có hiệu quả đối với P.1. Các chuyên gia cũng nhận định biến thể này có thể xuất hiện tại Manaos từ đầu tháng 11/2020.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ ngày 3/3, dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 2.559.173 người trên toàn thế giới trong tổng số 115.279.091 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

1/4 số ca tử vong trên được ghi nhận tại Mỹ, nơi đã có 529.191 ca trong khi số ca tử vong tại Brazil hiện đã tương đương 1/2 tại Mỹ (257.562 ca). Mexico đứng thứ ba thế giới về số ca tử vong, hiện đã ghi nhận 186.152 ca.

Trong khi đó, Ấn Độ và Anh đã lần lượt ghi nhận 157.385 ca và 123.296 ca tử vong. Châu Âu là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất thế giới với 34.316.143 ca, Bắc Mỹ ghi nhận 33.692.889 ca trong khi châu Á đứng thứ ba với 25.150.613 ca.

Khu vực Nam Mỹ ít ảnh hưởng hơn song cũng đã ghi nhận tổng cộng trên 18 triệu ca. Tại châu Âu, Nga là nước bị ảnh hưởng nhiều nhất, hiện đã có hơn 4,2 triệu ca nhiễm, Anh cũng có gần với 4,1 triệu ca. Pháp, Tây Ban Nha đều trên 3,1 triệu ca trong khi Italy và Đức đã có hơn 2,4 triệu ca.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/252895/who-se-phan-phoi-237-trieu-lieu-vacxin-theo-chuong-trinh-covax.html