WHO thận trọng về việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp với virus corona
Cho tới nay, WHO vẫn cho thấy sự thận trọng khi chưa tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp đáng lo ngại ở phạm vi quốc tế (PHEIC) với virus corona.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm phổi do chủng virus corona mới ở Trung Quốc, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tới nay vẫn cho thấy sự thận trọng khi chưa tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp đáng lo ngại ở phạm vi quốc tế (PHEIC). Lý giải cho điều này, các chuyên gia y tế và nhà ngoại giao cho biết, Tổ chức Y tế thế giới vẫn cần những bằng chứng rõ ràng hơn về sự lây lan của chủng virus corona mới bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc.
Theo các chuyên gia y tế cộng đồng và nhiều nhà ngoại giao phương Tây, Tổ chức Y tế thế giới muốn cân nhắc kỹ lưỡng các khía cạnh khoa học và chính trị trước khi ra bất kỳ tuyên bố nào về tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu nhằm đảm bảo việc chia sẻ thông tin giữa các nước, cũng như nhằm cung cấp những khuyến nghị khoa học cần thiết cho cộng đồng quốc tế về yếu tố nguy cơ.
Tới nay, Tổ chức Y Tế thế giới chỉ sử dụng thuật ngữ “tình trạng khẩn cấp quốc tế về y tế cộng đồng” trong các trường hợp dịch bệnh hiếm gặp cần phản ứng toàn cầu mạnh mẽ, trong đó có đại dịch H1N1 năm 2009, sự quay trở lại của bệnh bại liệt trẻ em năm 2014, đại dịch Ebola ở Tây Phi năm 2014, tình trạng khẩn cấp do Zika năm 2015-2016 và mới nhất là việc bùng nổ Ebola ở Cộng hòa Dân chủ Congo năm 2018-2019.
Đối với trường hợp bùng phát dịch viêm phổi do này, Tổ chức Y tế thế giới đã 2 lần họp khẩn vào tuần trước và 2 lần đều quyết định không ra tuyên bố về tình trạng khẩn cấp toàn cầu, dù tỷ lệ ủng hộ và phản đối điều này là 50-50. Theo một quan chức Tổ chức Y tế thế giới, lý do mà cơ quan này thận trọng khi đưa ra quyết định, bởi tới nay dịch bệnh do virus corona chưa gây ra trường hợp tử vong nào hay lây truyền từ người sang người bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Hơn nữa, một tuyên bố như vậy có thể gây ảnh hưởng không cần thiết đến giao thương và du lịch và ám chỉ một đất nước không thể tự khống chế bệnh tật.
Người phát ngôn Tổ chức Y tế thế giới Christian Lindmeier hôm qua (28/1) một lần nhấn mạnh, những tiêu chí của WHO về tình trạng khẩn cấp toàn cầu bao gồm “tình trạng sức khỏe nghiêm trọng hoặc bất thường” ảnh hưởng đến các quốc gia khác và có thể cần phải có phản ứng quốc tế phối hợp. Cũng theo ông này, hiện không có sự lan truyền mạnh mẽ bên ngoài Trung Quốc:
“Điều quan trọng lúc này là phải hiểu được cách thức lây truyền của virus và mức độ nghiêm trọng của chủng virus gây bệnh. Điều này giúp WHO đưa ra những hướng dẫn cần thiết và giúp các quốc gia có sự chuẩn bị tốt nhất trong đối phó với dịch bệnh.”
Ông Lindmeier và Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus , cùng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm qua đã gặp nhau ở thủ đô Bắc Kinh để thảo luận về cách thức bảo vệ công dân Trung Quốc và người nước ngoài tại các khu vực bị ảnh hưởng của virus và những phương án sơ tán có thể.
Trung Quốc đã đồng ý để đến càng sớm càng tốt để nắm bắt tình hình dịch bệnh, cũng như chủng virus corona mới và đưa ra phản ứng toàn cầu cần thiết.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm qua cũng cam kết sẽ đánh bại virus corona mới: “Đối với Trung Quốc, chúng tôi đang trong một cuộc chiến nghiêm trọng chống lại dịch bệnh. Chính phủ Trung Quốc luôn đặt cuộc sống và sức khỏe của người dân lên hàng đầu trong mọi ưu tiên. Vì vậy, với niềm tin, sự hỗ trợ lẫn nhau, cùng các biện pháp khoa học phòng ngừa và ngăn chặn dịch bệnh, kiên trì với các chính sách đúng đắn, chúng tôi chắc chắn sẽ chiến thắng trong cuộc chiến này”.
Theo Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, ngay cả khi không có tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu thì cũng đã có những hành động được phối hợp ở tầm quốc tế trước sự bùng nổ của virus corona hiện nay. Trung Quốc cũng đã nhanh chóng báo cáo về đợt bùng phát này và chia sẻ tất cả những thông tin họ có. Các nhà khoa học Trung Quốc đã khẩn trương lập bản đồ gen của vi rút mới này và ngay lập tức công bố thông tin, nhờ đó các nước khác có thể tiếp tục phát triển các xét nghiệm chẩn đoán. Theo Tổ chức Y tế thế giới, Hội đồng chuyên gia gồm 16 thành viên của Tổ chức Y tế thế giới đang theo dõi sát mọi diễn biến của dịch bệnh và sẵn sàng nhóm họp bất cứ lúc nào để đánh giá lại tình hình./.