WHO thúc đẩy việc chia sẻ vắcxin của Pfizer cho các nước nghèo
Vắcxin phòng COVID-19 tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 15/1/2021 - Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 18/1, cố vấn cấp cao của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Bruce Aylward cho biết tổ chức này đang trong các cuộc đàm phán chuyên sâu với Pfizer về việc đưa vắcxin ngừa COVID-19 của hãng này vào danh mục vắcxin của WHO dùng để chia sẻ cho các nước nghèo.
Phát biểu tại cuộc họp ban điều hành của WHO, ông Aylward nói: "Chúng tôi đang trong các cuộc thảo luận chi tiết với Pfizer và tin rằng chúng ta sẽ sớm được tiếp cận sản phẩm này”.
Chương trình chia sẻ vắcxin COVAX của WHO dự kiến bắt đầu triển khai vắcxin cho các nước nghèo và nước thu nhập trung bình vào tháng 2/2021.
Trong khi đó, Công ty Moody's Analytics đánh giá, việc Ấn Độ bắt đầu chương trình tiêm phòng COVID-19 là một "diễn biến quan trọng" đối với châu Á, sẽ giúp làm giảm mức độ nghiêm trọng của đại dịch ở lục địa này, đặc biệt khi Ấn Độ là quốc gia bị ảnh hưởng nặng thứ 2 sau Mỹ, trong khi làn sóng lây nhiễm thứ 3 và các biện pháp nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn dịch bệnh tại Nhật Bản, Hàn Quốc cùng một số quốc gia Đông Nam Á tiếp tục cản trở sự phục hồi kinh tế không đồng đều tại châu Á.
Báo The Hindu dẫn một tuyên bố của Moody's Analytics nêu rõ: "Là nhà sản xuất vắcxin lớn nhất thế giới, với 60% thị phần toàn cầu, Ấn Độ có thể sử dụng năng lực sản xuất hiện có của mình để đóng góp vào nhu cầu sản xuất và phân phối vắcxin hàng loạt cho các quốc gia khác bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu trong nước. Với việc dự kiến sớm xuất khẩu vắcxin COVID-19, Ấn Độ (cùng với Trung Quốc) dường như sẽ đi đầu trong việc thúc đẩy các nỗ lực phân phối của khu vực trong những tháng tới”.
Cũng theo tuyên bố, việc Indonesia cấp phép sử dụng khẩn cấp vắcxin COVID-19 Sinovac của Trung Quốc, vốn là quốc gia đầu tiên ngoài Trung Quốc làm như vậy, có thể mở ra cánh cửa cho các nền kinh tế khác tại châu Á làm theo. Tuy nhiên, các báo cáo trái chiều về hiệu quả của Sinovac đã gây trở ngại cho kế hoạch tiêm chủng ở những quốc gia đang cân nhắc việc sử dụng vắcxin này.
Trong diễn biến khác, vcác nhà khoa học Nam Phi vừa tìm ra bằng chứng cho thấy biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ nước này có độc lực mạnh hơn cũng như có tốc độ lây lan cao hơn nhiều so với virus gốc. Đến thời điểm hiện tại, biến thể này đã lây lan tới ít nhất 23 quốc gia trên thế giới.
Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, phát biểu tại cuộc họp về các biện pháp phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do Bộ Y tế Nam Phi chủ trì hôm 18/1, chuyên gia dịch tễ học hàng đầu Salim Abdool Karim cho biết ngoài tốc độ lây lan nhanh, biến 501Y.V2 có khả năng bám dính chặt và sâu hơn bên trong tế bào vật chủ, do đó khiến bệnh tình nặng hơn cũng như khó chữa trị hơn so với virus SARS-CoV-2.
Phát hiện lần đầu tại khu vực Mandela Bay từ tháng 8/2020, biến thể 501Y.V2 được chuyên gia y tế đánh giá là nguyên nhân khiến số ca mắc COVID-19 và tử vong tại Nam Phi tăng vọt trong những tháng gần đây, đặc biệt tại khu vực phía Nam bao gồm 2 tỉnh duyên hải Eastern Cape và Western Cape, nơi có thành phố du lịch mang tính biểu tượng toàn cầu là Cape Town.
Tại cuộc họp, giáo sư Karim, đồng thời là trưởng Nhóm tư vấn chính phủ về công tác ứng phó dịch COVID-19 nêu rõ, với 23 đột biến khác nhau, ngoài khả năng lây lan với tốc độ rất nhanh, biến thể 501Y.V2 còn khiến công tác tầm soát dịch bệnh của các lực lượng chức năng càng thêm khó khăn. Theo ông Karim, hiện các nhà khoa học Nam Phi đang tiến hành nghiên cứu xem liệu các loại vắcxin ngừa COVID-19 đang lưu hành có bị giảm hiệu quả đối với biến thể 501Y.V2 hay không.
Liên quan đến diễn biến dịch COVID-19 tại Nam Phi, nhiều hãng hàng không quốc tế đã tạm dừng hoặc giảm tần suất chuyến bay đến Nam Phi trong bối cảnh biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ nước này hiện đã lây lan tới hàng chục quốc gia trên thế giới.
Cùng lúc đó, có ít nhất 10 quốc gia tạm dừng kết nối đường không với Nam Phi bao gồm Đức, Hà Lan, Israel, Đan Mạch, Anh, Ả-rập Xê-út, Việt Nam, Thụy Sĩ, Panama và Mauritius. Tính đến hết ngày 18/1, Nam Phi đã ghi nhận hơn 1.346.936 ca nhiễm, chiếm 40% trong tổng số hơn 3,2 triệu ca nhiễm toàn châu Phi. Từ đầu tháng 1 đến nay, Nam Phi có thêm 260.000 ca nhiễm và hơn 8.000 ca tử vong do COVID-19.
Tại châu Âu, một ngày trước khi Thủ tướng Đức Angela Merkel họp với thủ hiến các bang để thảo luận về các biện pháp phòng ngừa dịch COVID-19, các chuyên gia Đức ngày 18/1 đã đưa ra cảnh báo khẩn cấp về nguy cơ từ các biến thế mới của virus SARS-CoV-2.
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, tối 18/1, các chuyên gia đã ra cảnh báo khẩn cấp với Thủ tướng Merkel và các thủ hiến 16 bang của Đức về nguy cơ xuất phát từ các biến thể mới của virus gây đại dịch COVID-19.
Các nguồn thạo tin cho biết, nhiều chuyên gia, trong đó có nhà virus học, Giáo sư Viện Gene Đại học TU Braunschweig, Melanie Brinkmann và Giáo sư Michael Meyer-Herman, Trưởng Khoa Miễn dịch học hệ thống thuộc Trung tâm Nghiên cứu lây nhiễm Helmholtz, cảnh báo các biến thể sẽ khiến dịch bệnh lây lan nhanh chóng ở Đức, do vậy các cấp chính quyền cần nhanh chóng có những biện pháp cứng rắn để có thể giảm số ca lây nhiễm.
Giám đốc Viện Tin sinh học châu Âu Rolf Apweiler cũng đưa ra cảnh báo tương tự, nhấn mạnh rằng biến thể virus được phát hiện ở Anh có thể khiến số ca lây nhiễm tăng từ 6 đến 8 lần so với virus gốc.
Ông Apweiler kêu gọi thực hiện phong tỏa nghiêm ngặt, tiêm chủng nhanh chóng và giải trình tự gene rộng rãi để xác định các biến thể của virus nhằm nhanh chóng giảm số ca lây nhiễm.
Trong khi đó, nhà virus học, Giáo sư Christian Drosten thuộc Bệnh viện Charité ở Berlin trấn an rằng không nên hoảng loạn với biến thể virus vừa phát hiện ở TP Garmisch-Partenkirchen thuộc bang Bayern của Đức. Ông nhấn mạnh không có gì ngạc nhiên và không có lý do quá lo ngại với biến thể mới này, bởi không có dấu hiệu cho thấy đây là một biến thể đặc biệt.
Biến thể mới phát hiện ở bang miền Nam nước Đức ngày 18/1 được tìm thấy trong bệnh phẩm của 3 bệnh nhân tại bệnh viện Garmisch-Partenkirchen và hiện đang được tiếp tục nghiên cứu, phân tích.
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)