WHO: Trong 3 dòng biến thể từ Ấn Độ chỉ có một dòng 'đáng lo ngại'

Trụ sở WHO tại Geneva, Thụy Sĩ - Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 1/6, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết trong số 3 dòng phụ của biến thể virus SARS-CoV-2 phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ - biến thể B.1.617 - chỉ có một dòng được phân loại ở mức "biến thể đáng lo ngại”.

WHO phân chia biến thể B.1.617 thành 3 dòng gồm B.1.617.1 (còn gọi là Kappa); B.1.617.2 (Delta) và B.1.617.3. Tháng trước, cơ quan này tuyên bố tất cả 3 dòng phụ của B.1.617 đều là "biến thể đáng quan ngại”.

Tuy nhiên, trong báo cáo cập nhật định kỳ hằng tuần về tình hình dịch COVID-19, WHO khẳng định các nguy cơ lớn hơn đối với sức khỏe cộng đồng rõ ràng có liên quan đến dòng biến thể Delta, trong khi tốc độ lây lan của hai dòng còn lại thấp hơn.

WHO nhấn mạnh Delta đang tiếp tục lây lan nhanh chóng và ngày càng có nhiều quốc gia báo cáo các đợt bùng phát liên quan đến dòng biến thể này. Báo cáo cũng cho biết ưu tiên hàng đầu hiện nay của WHO là tiến hành nghiên cứu sâu hơn về tác động của dòng biến thể Delta.

Bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về dịch COVID-19, cho biết: "Dòng biến thể Delta đã tăng khả năng lây nhiễm, do đó nó có thể lan trong cộng đồng dễ dàng hơn”.

Cũng theo WHO, dòng biến thể Kappa hiện được phân loại ở mức "biến thể đáng quan tâm." Trong khi đó, dòng biến thể B.1.617.3 không còn được xem là "biến thể đáng quan tâm”.

Theo dữ liệu của WHO công bố hôm 26/5, biến thể B.1.617 từ Ấn Độ khi đó đã được chính thức ghi nhận xuất hiện tại 53 vùng lãnh thổ trên thế giới. WHO nhấn mạnh biến thể B.1.617 đã gia tăng tốc độ lây lan, trong khi các chuyên gia y tế đang xác định mức độ nguy hiểm và nguy cơ lây nhiễm biến thể này.

Cùng ngày 1/6, WHO bày tỏ quan ngại về tình hình dịch COVID-19 tại Nam Mỹ, cảnh báo các đợt bùng phát dịch tại khu vực vốn chịu tác động nặng nề của đại dịch này đang diễn biến xấu đi. Ông Michael Ryan, Giám đốc Chương trình y tế khẩn cấp thuộc WHO, lưu ý rằng trong số 10 quốc gia có tỉ lệ tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới vào tuần trước thì có 8 nước tập trung ở châu Mỹ.

Phát biểu với báo giới, quan chức WHO nhấn mạnh: "Tình hình dịch tại Nam Mỹ thời điểm này rất đáng quan ngại”. Ông Ryan nêu rõ khu vực này đã ở trong tình cảnh thực sự khó khăn mới chỉ vài tháng trước đây, hiện nay tình hình lại đang bắt đầu diễn biến xấu đi. Theo ông Ryan, sự lây lan dịch bệnh tại Nam Mỹ đang căng thẳng, lây nhiễm trong cộng đồng trên diện rộng trong khi hệ thống y tế quá tải, và những yếu tố này thể hiện ở tỉ lệ tử vong cao.

Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh Peru ngày 1/6 công bố số ca tử vong do COVID-19 ở nước này là 180.764 ca, cao gấp đôi con số thống kê chính thức 69.342 ca trước đó, sau khi các chuyên gia phát hiện có nhiều trường hợp tử vong chưa được thống kê. Như vậy, Peru trở thành quốc gia có tỉ lệ tử vong do COVID-19 tính trung bình trên đầu người cao nhất thế giới. Trong khi đó, Brazil đứng thứ hai thế giới về số ca tử vong do COVID-19, sau Mỹ.

Ông Ryan nêu rõ tỉ lệ xét nghiệm có kết quả dương tính với COVID-19 tại nhiều nước Nam Mỹ vẫn ở mức "cao đáng kể," trong đó Paraguay là 37%, Argentina là 33% và Colombia là 30%. Quan chức WHO này nhấn mạnh các nước trên thế giới cần phải phá vỡ chuỗi lây nhiễm, nỗ lực hơn nữa để kiềm chế sự lây lan của virus đồng thời đảm bảo việc tiếp cận vắcxin công bằng.

Tại châu Á, Bộ Y tế Lào ngày 2/6 cho biết nước này chỉ ghi nhận 5 ca nhiễm COVID-19 mới trong 24 giờ qua, gồm 4 ca lây nhiễm cộng đồng tại thủ đô Vientiane và 1 ca nhập cảnh được cách ly ngay ở tỉnh khác. Theo phóng viên TTXVN tại Vientiane, do tình hình dịch bệnh trên cả nước có dấu hiệu hạ nhiệt, Lào vừa cho đóng cửa thêm 1 bệnh viện dã chiến có 300 giường ở thủ đô Vientiane.

Phát biểu tại cuộc họp báo trưa 2/6, đại diện Bộ Y tế Lào nhấn mạnh dù tình hình dịch bệnh có xu hướng giảm, nhưng người dân không được chủ quan, lơ là bởi Lào vẫn chưa kiểm soát được hoàn toàn sự lây lan của làn sóng dịch lần này trong khi tỉ lệ tiêm vắcxin của Lào vẫn thấp.

Chính phủ Lào cũng đang nỗ lực hết mình để tìm kiếm thêm nguồn vắcxin nhằm hoàn thành mục tiêu tiêm ít nhất cho 50% dân số trong năm 2021. Đến nay, Lào đã tiêm được 914.021 liều vắcxin, trong đó số người được tiêm mũi thứ hai là 249.355 người. Tới nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 1.934 ca mắc COVID, trong đó đã chữa khỏi 1.637 trường hợp và 3 ca tử vong.

Trong khi đó, Malaysia cùng ngày thông báo thêm 7.703 ca mắc mới COVID-19, đưa tổng số ca bệnh tại nước này lên 587.165. Malaysia đang chứng kiến sự gia tăng số ca mắc COVID-19 mặc dù số ca đã giảm sau khi đạt mức cao kỷ lục hôm 29/5.

Đài Loan (Trung Quốc) cũng thông báo 549 ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng, tăng mạnh so với 327 ca lây nhiễm cộng đồng thông báo ngày 1/6.

Ngày 2/6, Thái Lan ghi nhận thêm 3.440 ca mắc COVID-19 và 38 ca tử vong, nâng tổng số các ca mắc và không qua khỏi lên lần lượt 165.462 ca và 1.107 ca. Kể từ khi bùng phát làn sóng thứ 3 dịch COVID-19 từ đầu tháng 4 đến nay, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 136.599 ca nhiễm.

Cùng với việc tích cực dập các ổ dịch trong nước, Chính phủ Thái Lan đang theo dõi chặt chẽ dòng người từ Campuchia đổ vào tỉnh biên giới phía Đông Sa Kaeo gần đây do lo ngại nhiều người trong số đó có thể bị nhiễm virus SARS-CoV-2.

Người phát ngôn Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) Taweesilp Visanuyothin cho biết trong ngày 1/6, CCSA đã thảo luận về tình hình ở Sa Kaeo, nơi có tới 1.000 người từ Campuchia qua các trạm kiểm soát chính thức. Theo quan chức này, ít nhất 10% trong số đó được cho là đã bị nhiễm bệnh. Những người được xác nhận mắc COVID-19 sẽ được đưa đến bệnh viện hoặc bệnh viện dã chiến.

Những người có nguy cơ lây nhiễm sẽ được cách ly tại các cơ sở ở địa phương do nhà nước bố trí.Ủy ban Các bệnh truyền nhiễm tỉnh Sa Kaeo đã thông báo với CCSA rằng nhiều cơ sở cách ly trong tỉnh đã kín phòng và có thể không đủ chỗ để đáp ứng những người mới đến. Do đó, ủy ban đã yêu cầu lập các cơ sở cách ly bổ sung ở các tỉnh lân cận và CCSA đã đồng ý hỗ trợ.

Liên quan đến tình hình phân phối vắcxin ngừa COVID-19, ngày 1/6, nhóm BRICS gồm 5 nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới kêu gọi đẩy nhanh việc phát triển và phân phối, đồng thời tái khẳng định rằng các biện pháp hỗ trợ như miễn bản quyền đối với vắcxin phòng ngừa bệnh này có thể giúp những nước nghèo chống dịch.

Nội dung trên được nêu trong tuyên bố chung của nhóm BRICS - gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - sau hội nghị trực tuyến các ngoại trưởng nhóm BRICS do Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar chủ trì.

Trong tuyên bố, các ngoại trưởng cho rằng chiến dịch tiêm chủng vắcxin diện rộng sẽ giúp chấm dứt đại dịch COVID-19, theo đó nhấn mạnh "sự cấp bách của việc khẩn trương phát triển và phân phối vắcxin ngừa COVID-19, đặc biệt tại những nước đang phát triển”. Các bộ trưởng cũng bày tỏ ủng hộ chiến dịch toàn cầu do Nam Phi và Ấn Độ dẫn đầu tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để hối thúc các nước tạm miễn bản quyền đối với vắcxin ngừa COVID-19.

Tuyên bố nêu rõ việc chia sẻ vắcxin, chuyển giao công nghệ, phát triển các chuỗi sản xuất và cung ứng nội địa cũng như minh bạch về giá cả cũng sẽ là lực đẩy cho cuộc chiến chống đại dịch. Ngoại trưởng Nam Phi Naledi Pandor nhấn mạnh rằng hàng triệu người ở các nước giàu đã được tiêm vắcxin ngừa COVID-19, trong khi hàng tỉ người ở các nước nghèo vẫn phải chờ để được tiêm.

Số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy vùng châu Phi phía Nam Sahara mới chỉ được sử dụng 2% lượng vắcxin toàn cầu, chứng tỏ sự chênh lệch lớn trong tiếp cận vắcxin trên toàn cầu.

Phóng viên TTXVN tại Moscow dẫn phát biểu của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong cuộc họp báo sau hội nghị cho biết các nước thành viên BRICS sẽ bảo vệ và củng cố chủ nghĩa đa phương trong bối cảnh các nước phương Tây tìm cách thúc đẩy một khái niệm mà họ gọi là “trật tự thế giới dựa trên luật lệ”. Ông Lavrov nêu rõ: “Tất cả các nước BRICS đều nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường chủ nghĩa đa phương, không phải theo một định dạng trừu tượng nào đó, mà thông qua một định dạng chung dựa trên khuôn khổ Hiến chương Liên Hợp Quốc".

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/256377/who--trong-3-dong-bien-the-tu-an-do-chi-co-mot-dong-dang-lo-ngai.html