WHO tuyên bố đại dịch COVID-19 nhằm kích hoạt điều gì?

Đại dịch chỉ quy mô lan tràn của bệnh. Tuyên bố đại dịch bật đèn cho các nước kích hoạt kế hoạch đối phó, thực hiện các biện pháp khẩn cấp bảo vệ dân.

Dịch COVID-19 giờ đã là đại dịch, theo tuyên bố ngày 11-3 (giờ châu Âu) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Vậy cần hiểu đại dịch có nghĩa là gì, có những ảnh hưởng gì?

“Đại dịch” không liên quan gì tới việc bản thân bệnh đó nghiêm trọng thế nào với sức khỏe, mà chỉ quy mô lan tràn của bệnh đó. Hiểu cách khác, đại dịch chỉ có nghĩa một dịch bệnh đang lan tràn rộng.

Khi ra tuyên bố này, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rõ WHO lo ngại sâu sắc về tình trạng lan tràn báo động của COVID-19. Tuy nhiên, ông Tedros đồng thời cũng nói tuyên bố đại dịch không có nghĩa các nước nên từ bỏ nỗ lực kiềm chế virus - vốn đã giết hơn 4.300 người và lây nhiễm cho hơn 120.000 người toàn cầu.

“Chúng ta phải nhân đôi nỗ lực và phải xông xáo hơn nữa. Đó là điều chúng tôi nói tới” - ông Tedros nói khi tuyên bố đại dịch COVID-19.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus vừa công bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu. Ảnh: AP

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus vừa công bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu. Ảnh: AP

Cùng tìm hiểu một số câu hỏi về tuyên bố đại dịch.

Điều gì khiến WHO tuyên bố đại dịch?

Người ở những nơi virus hiện diện một khi nhiễm bệnh sẽ có thể đoán được nguồn lây. Và một khi nhà chức trách y tế có thể rà được các nguồn lây này, dịch chưa phải ngoài tầm kiểm soát.

Vấn đề là khi người nhiễm bệnh ở nơi chưa từng ghi nhận có sự hiện diện của virus, chưa thể xác định đường lây, thì đây là tín hiệu cho thấy sẽ có một sự lan truyền rộng hơn ra cộng đồng - một yếu tố hàng đầu để WHO căn cứ vào đó mà quyết định tuyên bố đại dịch.

Với bệnh cúm, WHO gọi đó là một đại dịch khi có một virus mới lan tràn đến hai khu vực của thế giới. Giờ COVID-19 đang hoành hành cả bốn châu lục.

Từ “đại dịch” có liên quan gì đến mức độ nghiêm trọng của bệnh với cơ thể người không

Đại dịch là từ đáng sợ nhưng không liên quan gì với việc bệnh nặng nhẹ thế nào với cơ thể. Nó chỉ có nghĩa bệnh đang lan tràn nhanh. Một loại bệnh thuộc dạng ít nghiêm trọng với cơ thể cũng có thể trở thành đại dịch, như H1N1 năm 2009.

Cúm mùa thông thường có tỉ lệ tử vong 0,1%. Hiện tỉ lệ tử vong chính xác của virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 chưa được xác định rõ và có thể khác nhau ở từng nơi. Nhưng tới thời điểm này có thể thấy COVID-19 không chết chóc bằng SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) hay MERS (hội chứng hô hấp cấp tính Trung Đông), dù tốc độ lây lan của COVID-19 nhanh hơn.

Với phần lớn bệnh nhân nhiễm COVID-19, virus chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ và trung bính, như sốt và ho; và phần lớn hồi phục trong khoảng hai tuần. Nhưng với một số ít, đặc biệt các bệnh nhân lớn tuổi và có bệnh nền thì virus có thể khiến tình trạng nghiêm trọng hơn, bao gồm cả viêm phổi.

Tuyên bố đại dịch nghĩa là điều gì sẽ xảy ra?

Tuyên bố đại dịch sẽ bật đèn cho các chính phủ kích hoạt các kế hoạch đối phó và có thể thực hiện các biện pháp khẩn cấp để bảo vệ người dân, chẳng hạn quy định khắt khe hơn về đi lại và hạn chế thương mại.

Cùng với tuyên bố đại dịch, WHO cũng đã tuyên bố COVID-19 là một tình trạng khẩn cấp quốc tế. Và ở những nơi trên thế giới mà virus gây dịch chưa lan tới, các bệnh viện và phòng khám cần được chuẩn bị để đối phó với nguy cơ sẽ có một làn sóng bệnh nhân nhiễm bệnh, lên kế hoạch ưu tiên cứu chữa bệnh nhân COVID-19.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus (giữa), Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp thuộc WHO Michael Ryan (trái), Giám đốc phụ trách kỹ thuật của Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO Maria van Kerkhove (phải) trong một cuộc họp báo cập nhật tình hình đại dịch COVID-19 tại Geneva (Thụy Sĩ). Ảnh: AP

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus (giữa), Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp thuộc WHO Michael Ryan (trái), Giám đốc phụ trách kỹ thuật của Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO Maria van Kerkhove (phải) trong một cuộc họp báo cập nhật tình hình đại dịch COVID-19 tại Geneva (Thụy Sĩ). Ảnh: AP

TS Michael Ryan - Giám đốc Chương trình Y tế khẩn cấp thuộc WHO nhắc lại một cách thận trọng rằng việc dùng từ “đại dịch” để mô tả dịch bệnh “không nhằm kích hoạt bất cứ điều gì ngoài việc phải hành động xông xáo, mạnh mẽ hơn”.

Từ “đại dịch” khả năng lớn cũng sẽ gây nên sự lo lắng toàn cầu - điều mà WHO đã rất lo ngại và nhạy cảm. Trước đây Tổng Giám đốc WHO Tedros từng thừa nhận bản thân từ “đại dịch” có thể chỉ gây sợ hãi mà không giúp đưa tới bất kỳ sự ngăn chặn nào thêm hay giúp cứu thêm một ai.

Ổ dịch - bệnh dịch - đại dịch khác gì nhau?

Một ổ dịch là một sự bùng phát bất ngờ số ca nhiễm một bệnh tại một khu vực cụ thể. Bệnh dịch là một sự bùng phát ổ dịch ra quy mô rộng hơn, nhiều hơn. Đại dịch nghĩa là sự bùng phát này đã lan ra quy mô toàn cầu.

Các chuyên gia vẫn cho rằng từ “đại dịch” chắc chắn có ảnh hưởng, dù thậm chí nhiều người có thể không hiểu nó nghĩa là gì.

Theo chuyên gia Ian Mackay nghiên cứu về virus tại ĐH Queensland (Úc), từ “đại dịch” vốn không được giải thích rõ ràng, nó thường ít được đề cập và chỉ được dùng trong trường hợp tệ nhất nên dĩ nhiên khiến mọi người sợ hãi.

Lần gần nhất WHO tuyên bố đại dịch toàn cầu là khi nào?

Dịch bệnh gần nhất mà WHO tuyên bố đại dịch toàn cầu là bệnh bắt nguồn từ virus cúm H1N1 được gọi là “cúm heo” năm 2009. Quyết định này đến sau khi virus H1N1 lan tràn ra nhiều nước sau sáu tuần. Ngày nay cúm heo này được biết đến như một loại bệnh đặc trưng vùng miền và trở thành một phần của các bệnh cúm mùa thông thường.

Với COVID-19, đây là lần đầu tiên một loại bệnh do virus Corona gây ra được tuyên bố là đại dịch. Và theo ông Tedros, “cùng lúc, chúng tôi cũng tin rằng chúng ta có thể kiềm chế và kiểm soát nó”.

ĐĂNG KHOA

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/su-kien/who-tuyen-bo-dai-dich-covid19-nham-kich-hoat-dieu-gi-895940.html