WHO và chuyên gia 3 đại học Havard, Columbia, Queensland nhận định khác nhau về số liệu Covid-19 của Trung Quốc
Việc Trung Quốc không đưa những trường hợp xét nghiệm dương tính mà chưa phát triệu chứng vào số liệu mắc bệnh gây ra nhiều tranh luận trong giới chuyên môn. Bàn luận chủ đề này, WHO cũng có quan điểm khác với các nhà nghiên cứu lây nhiễm của 3 đại học danh giá Havard, Columbia, Queensland.
Đầu tháng 2/2020 các quan chức của tỉnh Hắc Long Giang thông báo 13 người xét nghiệm dương tính Covid-19 nhưng chưa phát triệu chứng đã được đưa ra khỏi danh sách những người chắc chắn mắc bệnh (list of confirmed cases) của tỉnh. Họ nói làm vậy là tuân thủ hướng dẫn của Ủy ban Sức khỏe quốc gia, theo đó những người này chỉ nên được phân loại là dương tính (positive cases) chứ chưa nên xếp loại chắc chắn mắc bệnh (tiếng Trung: 确诊病例 xác chẩn bệnh lệ, tiếng Anh: confirmed cases). Chỉ những trường hợp vừa xét nghiệm dương tính vừa phát triệu chứng của bệnh mới được đưa vào báo cáo hàng ngày của ủy ban này.
Giới nghiên cứu muốn biết số liệu những ca đã nhiễm Covid-19 nhưng chưa phát triệu chứng (Ảnh: Getty)
Ngày 7/2 Trung Quốc lại cho phép các bác sĩ sử dụng biện pháp soi chiếu lồng ngực để xác nhận mắc bệnh, thay vì phải chờ đợi xét nghiệm trong lab mất nhiều ngày. Việc thay đổi tiêu chuẩn chẩn đoán này đã khiến số ca bị coi là mắc bệnh ở tỉnh Hồ Bắc tâm dịch tăng gần 15 ngàn chỉ trong một ngày duy nhất.
Wu Zunyou (Ngô Tôn Hữu), chuyên gia trưởng dịch tễ học tại CDC (Trung tâm phòng chống bệnh) ở Bắc Kinh, có trách nhiệm trợ giúp thực hiện quy định, nói họ luôn yêu cầu những ca dương tính không được tính là đã chắc chắn mắc bệnh. Thay vào đó, những người dương tính được cách ly 14 ngày và được giới chức y tế theo dõi. Nếu phát triệu chứng trong giai đoạn này, mới bị xếp vào nhóm “xác chẩn bệnh lệ".
Ông Ngô nói thêm, xét nghiệm dương tính không phải bao giờ cũng có nghĩa là đương sự đã nhiễm virus. Xét nghiệm trong lab chủ yếu là phát hiện vật liệu gen của những con virus đang tồn tại trong họng hoặc mũi, nhưng ở một số người thì những cá thể virus đang ở trong dịch họng hay dịch mũi có thể vẫn chưa xâm nhập tế bào và chưa bắt đầu sinh sôi. Đấy là nói lý thuyết, chứ còn thực tế thì cũng chưa rõ là có ai đó xét nghiệm thì dương tính mà lại chưa bị virus thâm nhập tế bào hay không. "Đó là một trong những câu hỏi lớn của khoa học," ông nói.
Song bên ngoài Trung Quốc lại có những chuyên gia nghiên cứu bệnh truyền nhiễm phản đối nhận định này. Trả lời tạp chí khoa học Nature danh tiếng bà Angela Rasmussen chuyên gia virus học Đại học Columbia tại New York nói, virus thường sinh sôi bên trong vật chủ và phải đạt tới một mật độ đủ cao thì con người mới có thể phát hiện được. Nếu virus có ở trong mũi ai đó mà lại chưa gây nhiễm tới tế bào nào, thì “tôi e rằng con virus đó chưa thể bị chúng ta phát hiện [vì mật độ chưa đủ lớn]".
Trong khi đó, Ian Mackay, nhà virus học Đại học Queensland ở Brisbane đánh giá, việc gạt những trường hợp này ra khỏi số liệu thống kê lây nhiễm chính thức sẽ gây nên suy đoán là có giấu giếm số liệu, từ đó tạo ra ấn tượng là loại virus này nguy hiểm hơn là nó nguy hiểm thực. Điều này có thể làm lạc hướng những quốc gia đang lên phương án dự phòng cho đại dịch Covid-19.
Chia sẻ băn khoăn này, Michael Mina - chuyên gia dịch tễ học và miễn dịch học bệnh truyền nhiễm của Trường Y tế Harvard T.H. Chan ở Boston, Massachusetts - nêu quan điểm: không thống kê những trường hợp chưa có triệu chứng sẽ gây khó cho việc mô hình hóa chủng virus này nhằm hiểu rõ phạm vi và tốc độ lây lan của nó. Các nhà dịch tễ học thường cố gắng hợp nhất tất cả các mắt xích của sự lây lan dịch, và họ thường phải gộp cả những người bị nhiễm mà chưa có triệu chứng vào số liệu mắc bệnh, ông nhấn mạnh.
Ông Mina và nhóm nghiên cứu cũng ngờ rằng còn nhiều người nữa đã mắc bệnh chứ không chỉ có 74 ngàn ca như Trung Quốc đã báo cáo, rằng hầu hết các ca đều chưa có triệu chứng song đều sẽ cho kết quả dương tính nếu được đem xét nghiệm.
Trong khi đó, người phát ngôn của WHO tại Geneva, Thụy Sĩ là Tarik Jasarevic lại nói, nhìn từ quan điểm y tế cộng đồng thì việc Trung Quốc chỉ tập trung thu thập số liệu những người có triệu chứng là có ý nghĩa, vì chỉ những người này mới có khả năng truyền virus tới những người khác.
Không phản đối hoàn toàn ý kiến của người phát ngôn WHO, ông Mina cũng ghi nhận rằng Trung Quốc thực sự đang ưu tiên chăm sóc những người đã ốm, làm mạnh việc cách ly, chứ không chỉ làm mỗi việc đo lường sức lây lan của đại dịch. Ông cũng đồng ý rằng từ góc nhìn lâm sàng, việc loại trừ những bệnh nhân chưa có triệu chứng khỏi số liệu thống kê là chấp nhận được, vì một người nếu không có triệu chứng thì cũng có nghĩa chưa cần phải điều trị y tế. “Nếu thử đặt mình vào góc nhìn y tế cộng đồng, tôi cũng có thể hiểu ngay được cái quyết định không gộp vào danh sách nhiễm bệnh những cá nhân chưa phát triệu chứng," ông kết luận.