WHO: Vaccine chống nCoV có thể có trong 18 tháng
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 11-2 cho hay, các lô vaccine đầu tiên chống lại chủng mới của virus corona (nCoV) có thể sẵn sàng trong vòng 18 tháng tới.
Vào thời điểm này, “có rất nhiều việc chúng ta có thể làm để ngăn chặn sự lây nhiễm và chuẩn bị ứng phó với bất cứ sự lây lan rộng hơn nữa”, Tổng giám đốc WHO nói.
Trong buổi họp báo tại Diễn đàn nghiên cứu và đổi mới toàn cầu diễn ra trong hai ngày 11 và 12-2, Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh, cả thế giới cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (thuốc và vaccine chống nCoV), đồng thời cần đầu tư vào việc ngăn chặn sự bùng phát của nCoV ngay lúc này.
Tổng giám đốc WHO Tedros nói thêm, cộng đồng thế giới cũng cần sử dụng các “vũ khí sẵn có” để chống lại nCoV trong khi vẫn phải chuẩn bị tình huống lâu dài.
Trọng tâm của Diễn đàn nghiên cứu và đổi mới toàn cầu diễn ra trong hai ngày 11 và 12-2 là nỗ lực tăng tốc độ phát triển các xét nghiệm, phương pháp điều trị và vaccine chống lại nCoV, khi các bác sĩ ở tuyến đầu đang thử nghiệm nhiều loại thuốc khác nhau trên bệnh nhân với hy vọng cứu được nhiều mạng sống trong đợt bùng phát dịch này.
Diễn đàn có sự tham gia của 400 nhà khoa học, trong đó có nhiều nhà khoa học đóng góp ý kiến từ xa. Tại diễn đàn, các nhà khoa học sẽ cố gắng xác định phương pháp điều trị nào có đủ khả năng để tiến tới bước tiếp theo: nghiên cứu trên người để chứng minh liệu chúng có thực sự hiệu quả hay không.
Chuyên gia về bệnh virus tại tổ chức nghiên cứu INSERM của Pháp, Marie-Paule Kieny, đồng Chủ tịch của diễn đàn cho hay: “Chúng tôi ưu tiên những gì thực sự cấp bách, những gì chúng tôi thực sự cần biết để chống lại sự bùng phát dịch, để phát triển các loại thuốc, các loại vaccine. Điều đó sẽ cho phép khoa học tập trung vào những vấn đề quan trọng nhất và không bị phân tán quá nhiều các nỗ lực”.
Áp dụng nhiều thử nghiệm mới
Ngoài các phương pháp điều trị tiêu chuẩn, các bác sĩ đang xem xét sử dụng các loại thuốc đã được phê duyệt để chống lại các loại virus khác hoặc các thuốc thử nghiệm.
Ít nhất hai nghiên cứu trên bệnh nhân đã được tiến hành ở Trung Quốc: một là việc kết hợp thuốc kháng HIV có chứa lopinavir và ritonavir, được bán tại Mỹ như Kaletra, hai là thử nghiệm thuốc có tên là Remdesivir, do Gilead Science sản xuất.
Trong một dự thảo kế hoạch nghiên cứu được công bố vào tháng trước, WHO cho biết, “Remdesivir được coi là ứng cử viên triển vọng nhất”. Loại thuốc này được sử dụng nhanh ở một số bệnh nhân mắc bệnh Ebola ở Congo trước khi nghiên cứu dừng lại. Nhưng WHO đã trích dẫn các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy Remdesivir có thể kháng lại được SARS và MERS, anh em họ với Covid 19.
Gilead đã cung cấp Remdesivir để điều trị cho một số ít bệnh nhân, bao gồm một người đàn ông ở bang Washington, Mỹ nhiễm nCoV sau chuyến đi đến Vũ Hán, trung tâm của đợt bùng phát dịch viêm phổi cấp do nCoV ở Trung Quốc. Bệnh nhân này đã được điều trị khỏi bệnh và xuất viện, tuy nhiên chưa rõ Remdesivir đã phát huy tác dụng hay không.
Các bác sĩ ở Trung Quốc, Thái Lan và Italy cũng đã điều trị kết hợp thuốc kháng HIV ở một số bệnh nhân. Tại Malaysia, các nhà chức trách báo cáo rằng một người đàn ông 40 tuổi bị nhiễm nCoV cần phải dùng bình thở oxy đã hồi phục tám ngày sau khi được điều trị bằng các thuốc trên. Mặc dù vậy, vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng về tính hiệu quả của các loại thuốc kháng HIV trong điều trị.
Tiến sĩ David Heymann, người dẫn đầu nhóm ứng phó của WHO về sự bùng phát SARS toàn cầu 2002-2003, cho biết các bác sĩ hiện hoàn toàn không hiểu làm thế nào các loại thuốc kháng HIV có thể hoạt động để chống lại nCoV. Nhưng ông kỳ vọng các bác sĩ sẽ sớm hiểu được cơ chế hoạt động của chúng trên bệnh nhân nCoV.
Tiến sĩ David nói thêm, các phương pháp điều trị chủ yếu nhằm mục đích giúp bệnh nhân “có thể phục hồi đủ để hệ thống miễn dịch của chính họ có thể chống lại chủng virus mới”.
WHO cho biết vẫn còn nhiều câu hỏi quan trọng về nCoV vẫn chưa được giải đáp, bao gồm nCoV đến từ loài động vật nào và cơ chế truyền nhiễm chính xác giữa người như thế nào. nCoV được cho là lây lan qua các giọt nước bọt trong không khí khi người nhiễm bệnh hắt hơi hoặc ho.
“Để đánh bại sự bùng phát này, chúng ta cần câu trả lời cho tất cả những câu hỏi đó và hơn thế nữa” Tổng giám đốc WHO Ted Tedros nhấn mạnh.
N.T
Theo Tân Hoa Xã, AP