WHO xem xét điều tra nguồn gốc COVID-19 bên ngoài Trung Quốc

Các chuyên gia WHO nhấn mạnh các nước phải thận trọng với các suy đoán về nguồn gốc đại dịch COVID-19 vì vấn đề này cần được điều tra kỹ lưỡng.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo đang xem xét các nghiên cứu về khả năng đại dịch COVID-19 không xuất phát từ Trung Quốc đồng thời cảnh báo các nước thận trọng trong việc kết luận về nguồn gốc dịch bệnh, báo South China Morning Post đưa tin.

Giữa tháng 11, các nhà khoa học từ Viện Ung thư quốc gia ở TP Milan (Ý) đã công bố báo cáo nghiên cứu "có thể định hình lại lịch sử đại dịch". Nghiên cứu cho thấy kháng nguyên chống lại virus SARS-CoV-2 (gây dịch COVID-19) đã xuất hiện ở nhiều bệnh nhân tại Ý vài tháng trước khi dịch bệnh được phát hiện ở Trung Quốc.

Ngày 27-11, Giám đốc kỹ thuật Chương trình ứng phó khẩn cấp của WHO, bà Maria van Kerkhove cho biết WHO "đã liên hệ với những nhà nghiên cứu trên và họ đã hào phóng đề nghị hợp tác và cộng tác với chúng tôi trong một số nghiên cứu sâu hơn về các mẫu bệnh phẩm đó".

Trong khi đó, ông Mike Ryan - người đứng đầu Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO đề nghị các nước thận trọng với những suy đoán về nguồn gốc dịch bệnh. Ông cho rằng phải điều tra kỹ lưỡng trước khi đưa ra kết luận.

Bà Maria van Kerkhov, Giám đốc kỹ thuật Chương trình ứng phó khẩn cấp của WHO. Ảnh: CHINA DAILY

Bà Maria van Kerkhov, Giám đốc kỹ thuật Chương trình ứng phó khẩn cấp của WHO. Ảnh: CHINA DAILY

Ông Ryan nhắc lại rằng sự thật rõ ràng là TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) là nơi đầu tiên phát hiện các ca nhiễm bệnh viêm phổi lạ mà sau này được đặt tên là dịch COVID-19 vào cuối năm 2019.

Cả ông Ryan và bà Kerkhove đều nhấn mạnh rằng trong việc điều tra nguồn gốc đại dịch, thông tin về các ca nhiễm ở Trung Quốc phải được xem xét đến đầu tiên.

Giới khoa học quốc tế nói gì trước nghiên cứu mới về nguồn gốc đại dịch?

Theo nghiên cứu được các nhà khoa học Ý, 11% trong số 959 mẫu bệnh phẩm từ các bệnh nhân ung thư ở nước này có kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2. Các mẫu này được thu thập từ tháng 9-2019, tức là vài tháng trước khi ca bệnh đầu tiên ở Vũ Hán bị phát hiện.

Chuyên gia nghiên cứu virus Malik Peiris thuộc Đại học Hong Kong cho rằng dữ liệu từ nghiên cứu này vẫn cần được tiếp tục làm rõ hơn nữa. Ông Peiris từng là thành viên chủ chốt trong nhóm chuyên gia nghiên cứu dịch viêm đường hô hấp cấp tính nặng (SARS) năm 2002-2003.

Giáo sư Gavin Smith, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Singapore cho rằng thực tế các mẫu chứa kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2 được tìm thấy ở Ý không có nghĩa là nước này là nơi khởi phát dịch bệnh.

"Dựa vào tầm quan trọng của các bằng chứng lịch sử, có khả năng dịch bệnh đã xuất hiện ở châu Á nhưng không thể khẳng định chắn chắn bất kỳ điều gì về việc này" - ông Smith nhấn mạnh.

Chuyên gia bệnh truyền nhiễm Sanjaya Senanayake thuộc Đại học Quốc gia Úc lại cảm thấy "rất thú vị" khi có thêm nhiều manh mối về nguồn gốc đại dịch COVID-19.

Ông Senanayake cho rằng các bằng chứng mới cho thấy virus SARS-CoV-2 có thể đã lây lan mà không bị phát hiện trong "một thời gian dài" và vì vậy, không nên bỏ sót bất kỳ dữ kiện về đại dịch COVID-19.

Truyền thông Trung Quốc nhanh chóng "chớp cơ hội"

Trong một hội nghị khoa học trực tuyến hôm 19-11, ông Tăng Quang (Zeng Guang), cựu nhóm chuyên gia dịch tễ của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Trung Quốc (ChinaCDC) đã trích dẫn nghiên cứu của các nhà khoa học Ý để bác bỏ suy đoán rằng Trung Quốc là nơi khởi phát đại dịch COVID-19.

Ông Tăng Quang, cựu nhóm chuyên gia dịch tễ của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Trung Quốc. Ảnh: THỜI BÁO HOÀN CẦU

Ông Tăng Quang, cựu nhóm chuyên gia dịch tễ của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Trung Quốc. Ảnh: THỜI BÁO HOÀN CẦU

Ngày 24-11, một nghiên cứu của các chuyên gia Trung Quốc công bố một báo cáo với suy đoán rằng virus SARS-CoV-2 có thể đã xuất hiện và lây nhiễm từ người sang người ở tiểu lục địa Ấn Độ từ khoảng tháng 7-2019.

Tháng trước, ông Ngô Tôn Hữu (Wy Zunyou), trưởng nhóm chuyên gia dịch tễ của ChinaCDC nói rằng virus SARS-CoV-2 có thể bị đã xâm nhập vào nước này qua các sản phẩm hải sản nhập khẩu. Tuy nhiên, ông Ngô không cung cấp bằng chứng cụ thể.

Các quan chức y tế Trung Quốc cố gắng liên hệ nguồn gốc dịch bệnh với thông tin phát hiện các một số ít trường hợp nhiễm COVID-19 trong cộng đồng được cho là liên quan tới các thực phẩm đông lạnh nhập khẩu.

Tuy nhiên, các chuyên gia quốc tế nghi ngờ về khả năng thực phẩm nhiễm khuẩn có thực sự là nguồn lây nhiễm đáng kể hay không.

Truyền thông Trung Quốc cũng nhanh chóng nắm bắt các thông tin này và nhấn mạnh việc Vũ Hán là nơi đầu tiên phát hiện dịch COVID-19 không có nghĩa là dịch bệnh xuất phát từ thành phố này.

HOÀN ĐỨC

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/who-xem-xet-dieu-tra-nguon-goc-covid19-ben-ngoai-trung-quoc-952658.html