WHO xin lỗi về hành vi lạm dụng tình dục của nhân viên ở Congo
Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới hôm thứ Ba (28/9) đã xin lỗi sau khi các nhà điều tra độc lập đưa ra cáo buộc lạm dụng tình dục ở CHDC Congo bởi các nhân viên của cơ quan Liên hợp quốc.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Đây là một ngày đen tối đối với WHO sau khi có báo cáo về cáo buộc chống lại các nhân viên địa phương và quốc tế của WHO được triển khai tại Congo nhằm chống lại đợt bùng phát Ebola từ năm 2018 đến năm 2020".
Hàng chục phụ nữ được phỏng vấn cho biết họ được mời làm việc để đổi lấy tình dục, hoặc là nạn nhân của hành vi hiếp dâm.
'Điều đầu tiên tôi muốn nói với các nạn nhân và những người sống sót ... Tôi xin lỗi", ông Tedros nói trong một cuộc họp báo.
Các vụ lạm dụng thực hiện nhân viên WHO tại địa phương và quốc tế, những người được cử đến để chống lại đợt bùng phát Ebola 2018-20. Ảnh: AFP
Tedros, 56 tuổi, người sẽ tìm kiếm nhiệm kỳ thứ hai cho vị trí đứng đầu cơ quan quyền lực của LHQ cho biết: "Ưu tiên hàng đầu của tôi là các thủ phạm không được bào chữa mà phải chịu trách nhiệm".
Một Ủy ban đặc biệt đã xác định được 83 nghi phạm, trong đó có 21 người được WHO tuyển dụng. Bốn người đã bị chấm dứt hợp đồng và bị cấm làm việc trong tương lai tại WHO.
Cơ quan này cũng sẽ chuyển các cáo buộc hiếp dâm lên chính quyền Congo và những bang có liên quan khác, ông nói thêm.
Sau khi các phương tiện truyền thông đưa tin vào tháng 5 rằng ban lãnh đạo của WHO đã biết về các trường hợp bị cáo buộc ở CHDC Congo và không hành động, 53 quốc gia đã cùng yêu cầu WHO thể hiện 'sự lãnh đạo mạnh mẽ và gương mẫu' trong việc ngăn chặn lạm dụng tình dục.
Cuộc điều tra cho thấy 51 phụ nữ đã cáo buộc các nhân viên cứu trợ Ebola - chủ yếu từ WHO nhưng cũng từ các cơ quan khác của Liên hợp quốc và các tổ chức phi chính phủ hàng đầu - về hành vi bóc lột tình dục, bao gồm cả gạ tình, ép buộc họ quan hệ tình dục để đổi lấy công việc hoặc chấm dứt hợp đồng khi họ từ chối.
Với hơn 2.200 ca tử vong được ghi nhận, dịch bệnh này là trận dịch tồi tệ nhất đối với Cộng hòa Congo kể từ khi căn bệnh này được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1976.
Báo cáo cho biết ban lãnh đạo của WHO đã biết về các cáo buộc lạm dụng tình dục sớm hơn 6 tuần so với tuyên bố ban đầu.
Khi được hỏi liệu ông có ý định từ chức hay không, Tedros cho biết ông đã đến đất nước này 14 lần mà không ai nêu vấn đề.
Hoàng Long (theo france24)