Wi-Fi 6E nhanh và ổn định hơn Wi-Fi 6 sẽ ra mắt trong năm nay
Mới đây, Liên minh Wi-Fi (Wi-Fi Alliance) đã đưa ra chuẩn mới có nhiều ưu việt hơn so với Wi-Fi 6 có tên gọi Wi-Fi 6E.
Chuẩn Wi-Fi mới này hỗ trợ băng tần 6 GHz giúp tăng khả năng sử dụng các ứng dụng cần băng thông lớn như thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (AR).
Băng tần 6 GHz có thể cung cấp tốc độ kết nối nhanh hơn, ổn định hơn trong khi gần như sẽ không có can nhiễu với thiết bị hiện có. Nói cách khác, Wi-Fi 6E là tên của một phần mở rộng mới của chuẩn Wi-Fi 6 hiện có để cho biết nó có khả năng hỗ trợ tần số 6 GHz hoàn toàn mới.
Theo một số báo cáo trên các phương tiện truyền thông, Ủy ban Truyền thông Liên bang Hoa Kỳ (FCC) dự kiến sẽ bỏ phiếu vào ngày 23 tháng 4 tới để mở toàn bộ băng tần 6 GHz cho người dùng mà không cần giấy phép. Các quan chức cho rằng động thái này sẽ giúp đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với các dịch vụ Wi-Fi.
Kế hoạch này được đề xuất lần đầu tiên vào tháng 10 năm 2018 nhằm đưa vào sử dụng lượng phổ tần 1200 MHz trong băng tần 6 GHz cho các hoạt động không cần cấp phép. Đây là một lượng phổ tần lớn hơn nhiều so với lượng phổ tần 500 MHz trong băng tần 5 GHz dành cho Wi-Fi hiện nay. Dự kiến, phổ tần số này sẽ dành cho mục đích sử dụng các chủng loại thiết bị có công suất thấp, đối với các loại thiết bị có công suất cao sẽ sử dụng băng tần 850 MHz.
Về vấn đề này, viện nghiên cứu WifiForward (đứng sau là các công ty công nghệ nổi tiếng như Google, Microsoft, Broadcom, Comcast, v.v.) đã đưa ra dự đoán rằng, việc thúc đẩy phát triển Wi-Fi 6E hoạt động trong băng tần 6 GHz sẽ tăng doanh thu 180 tỷ USD trong 5 năm tới, kể cả nguồn doanh thu 106 tỷ USD từ nguồn GDP của Mỹ.
Sự phổ biến của WiFi 5 và Wi-Fi 6 đã tăng tốc độ trung bình của các bộ định tuyến Hoa Kỳ lên tới 267 Mbps vào năm 2022. Và việc ra mắt Wi-Fi 6E trong băng tần 6GHz sẽ giúp tốc độ vô tuyến trung bình đạt 468 Mbps vào năm 2025.
Ngoài ra, Wi-Fi 6E cũng có vai trò rất quan trọng đối với thiết bị vô tuyến trong nhà công suất thấp, ứng dụng thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường và Internet vạn vật (IoT).
Phan Văn Hòa(theo Gizchina)