WIPO hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu, đào tạo và tư vấn về sở hữu trí tuệ
Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác với WIPO trong chiến lược phát triển một hệ sinh thái sở hữu trí tuệ toàn cầu bao trùm, cân bằng, và hiệu quả, cho phép đổi mới và sáng tạo vì lợi ích của tất cả mọi người.
Tin từ Bộ KH-CN cho biết, từ ngày 10 đến 13-7, Thứ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Hoàng Giang dẫn đầu đoàn công tác Việt Nam tham dự phiên họp lần thứ 64 Đại hội đồng thành viên Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tại Geneva, Thụy Sĩ.
Đây là hoạt động quan trọng nhất của WIPO trong năm; là diễn đàn để các nước thành viên WIPO trao đổi, thảo luận và đưa ra các quyết định đối với hoạt động của WIPO, cũng như định hướng phát triển của hệ thống sở hữu trí tuệ (SHTT) toàn cầu.
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang đánh giá cao các sáng kiến của WIPO nhằm hỗ trợ các nước thành viên, nhất là các sáng kiến hướng tới đối tượng ưu tiên như doanh nghiệp, phụ nữ và giới trẻ trong việc sử dụng, khai thác quyền SHTT như một công cụ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm và cải thiện đời sống của cộng đồng.
“Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác với WIPO trong chiến lược phát triển một hệ sinh thái SHTT toàn cầu bao trùm, cân bằng, và hiệu quả, cho phép đổi mới và sáng tạo vì lợi ích của tất cả mọi người”, Thứ trưởng khẳng định.
Bên lề phiên họp, ngày 11-7, đoàn công tác Việt Nam đã có buổi làm việc với Tổng Giám đốc WIPO Daren Tang. Tại đây, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang cho biết, thời gian qua Việt Nam và WIPO đã hợp tác hiệu quả, chặt chẽ tổ chức nhiều đoàn tiếp xúc cấp cao; qua đó khẳng định sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam dành cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó SHTT là một nhân tố quan trọng.
Tại buổi gặp, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang đã chứng kiến lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa WIPO và Cục SHTT Việt Nam về hỗ trợ Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo và hỗ trợ, tư vấn (thuộc Cục SHTT) nhằm nâng cao kỹ năng và kiến thức cho các chuyên gia, doanh nghiệp và cán bộ công chức của Việt Nam.
Trong khuôn khổ hoạt động, đoàn công tác có nhiều hoạt động tiếp xúc song phương bên lề, làm việc với Phái đoàn đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hiệp quốc, WIPO và các tổ chức quốc tế khác ở Geneva và tham quan một số mô hình bảo hộ và quản lý chỉ dẫn địa lý tại Thụy Sĩ.