WNA: Nhu cầu urani toàn cầu dự kiến tăng 28% vào năm 2030

Nhu cầu urani cho các nhà máy hạt nhân dự kiến sẽ tăng lên 83.840 tấn vào năm 2030 và 130.000 tấn vào năm 2040, từ mức 65.650 trong năm nay.

Ngày 7/9, Hiệp hội Hạt nhân thế giới (WNA) công bố báo cáo cho biết nhu cầu về urani cho các lò phản ứng hạt nhân dự kiến sẽ tăng 28% vào năm 2030 và gần gấp đôi vào năm 2040, khi các chính phủ tăng cường công suất điện hạt nhân để đáp ứng các mục tiêu không phát thải CO2.

Theo báo cáo trên, nhu cầu urani cho các nhà máy hạt nhân dự kiến sẽ tăng lên 83.840 tấn vào năm 2030 và 130.000 tấn vào năm 2040, từ mức 65.650 trong năm nay. Giá urani giao ngay đã tăng hơn gấp đôi trong 3 năm qua, tuy vẫn chưa đạt mức đỉnh 140 USD/pound (453g) như vào năm 2007.

Kỹ thuật viên Iran kiểm tra các thiết bị tại cơ sở làm giàu urani Isfahan, cách thủ đô Tehran 420km về phía nam. Ảnh: AFP/TTXVN

Kỹ thuật viên Iran kiểm tra các thiết bị tại cơ sở làm giàu urani Isfahan, cách thủ đô Tehran 420km về phía nam. Ảnh: AFP/TTXVN

Báo cáo cho biết sản lượng urani toàn cầu đã giảm 1/4 xuống còn 47.731 tấn trong giai đoạn 2016-2020 và phục hồi nhẹ lên 49.355 tấn vào năm 2022. Sau trận động đất và sóng thần năm 2011, phá hủy nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi của Nhật Bản, các nước đã đóng cửa hàng chục lò phản ứng.

Công suất điện hạt nhân toàn cầu tính đến cuối tháng 6/2023 là 391 gigawatt điện (GWe) từ 437 tổ máy, cùng với 64 GWe khác đang được xây dựng. Báo cáo cho biết công suất điện hạt nhân dự kiến sẽ tăng 14% vào năm 2030 và tăng 76% lên 686 GWe vào năm 2040.

Công suất sẽ tăng lên không chỉ thông qua các lò phản ứng mới, phần lớn được lên kế hoạch ở Trung Quốc và Ấn Độ, mà còn bằng cách kéo dài thời gian vận hành của các nhà máy hiện có. Báo cáo cho biết: “Một số quốc gia có những lò phản ứng lớn, như Canada, Pháp, Nhật Bản, Nga và Ukraine, đang cho phép các nhà máy hiện có hoạt động tới 60 năm và ở Mỹ là 80 năm”. Bên cạnh đó, các lò phản ứng mô-đun nhỏ, dễ xây dựng hơn và rẻ hơn, cũng đang thu hút được sự chú ý.

Báo cáo của WNA cho biết thêm sự quan tâm đến năng lượng hạt nhân cũng tăng lên kể từ khi bùng phát xung đột tại Ukraine và nhiều quốc gia muốn có nguồn cung năng lượng thay thế cho nguồn cung từ Nga. Báo cáo nêu rõ: “Từ đầu thập kỷ tới, các mỏ đã quy hoạch và các mỏ tiềm năng sẽ cần được đưa vào sản xuất, bên cạnh việc tăng số lượng nguồn cung không xác định”./.

Bích Liên/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/wna-nhu-cau-urani-toan-cau-du-kien-tang-28-vao-nam-2030/305780.html